Hàng thùng made in Vietnam hay Campuchia...?

Xã hội - Ngày đăng : 14:39, 22/04/2011

Đẹp, độc, rẻ” – Ai cũng biết đó là những điểm hút khách của hàng thùng. Tuy nhiên, 3 ưu điểm đó đứng cạnh nhau dường như khiến nhiều người đặt dấu hỏi hoài nghi “Đẹp, độc thế, sao lại rẻ?”.


Hàng thùng (hay còn gọi hàng si – đa) là hàng cũ đã qua sử dụng, hoặc những hàng lỗi mốt, lỗi “kỹ thuật”, quá đát được nhập ngoại về. Điều đó ai cũng biết. Nhưng “ngoại” là ở đâu và vì sao người ta lại đưa nó thành “hàng thùng”?

Phố Kim Liên, chợ Đông Tác, chợ Hàng Da, Nguyễn Quý Đức,…là những cái tên quen thuộc gắn với “phố hàng thùng” tại Hà Nội. Tuy nhiên, quần áo ở mỗi nơi một khác.

Theo kinh nghiệm của dân “nghiền” hàng thùng thì hàng đẹp nhất vẫn là ở chợ Hàng Da, vì đây là hàng chọn lần một sau khi tháo kiện ra, hàng này chủ yếu còn nguyên tem, mác và kiểu dáng khá thời trang, thường là các loại quần áo điệu đà. Tuy nhiên, cũng vì thế mà các chủ hàng thường hét giá “trên trời”.

Còn tại các chợ khác, hàng thường cũ hơn, lỗi mốt và có nhiều lỗi “kỹ thuật”. Vì vậy, giá cũng khá rẻ, thường từ 20 – 30 nghìn đồng/chiếc. So với chợ Hàng Da, hàng ở đây giá chỉ bằng một nửa.

Giá rẻ, hàng đẹp lại độc đã khiến không ít người mua đặt dấu hỏi chấm về nguồn gốc xuất xứ của những mặt hàng này.

Còn các chủ hàng thì chỉ nhăn mặt: “Hàng bèo thế này, bán giá cho không, hỏi xuất xứ làm gì? Thích xuất xứ thì vào shop mà mua. Mà chắc đã là hàng xuất xứ đấy?”.

Chị Hoa, một người bán hàng thùng tại chợ Hàng Da thừa nhận, vì là hàng thùng nên không ai có thể biết chính xác được nguồn gốc xuất xứ của nó. “Nhưng em cứ yên tâm, vì nếu nó là hàng của người bị bệnh thì cũng đã được dán tem an toàn rồi, vì nếu có lây nhiễm thì bọn chị chết trước”, chị Hoa trấn an khách mua.

“Yên tâm đi, ngày nào chị cũng tiếp xúc với hàng đống quần áo này. Em nhìn xem, gian hàng có 6 m2, chị ngồi, ăn, nằm đều trên đống quần áo này mà da dẻ vẫn “ngon”, có nổi cái mụn nào đâu”, chị Hoa vừa nói vừa chìa cánh tay ra đảm bảo với khách.

Chính vì không rõ về nguồn gốc xuất xứ của những mặt hàng, vì vậy, không ít người mua phải giật mình vì hàng thùng nhưng lại có mác “made in Việt Nam”. Lý giải trường hợp này, chị Linh cho rằng, đây là hàng do VN xuất khẩu ra nước ngoài, chứ không phải hàng trà trộn ở ngay tại trong nước.

Hàng "đẹp, độc" nhưng rẻ trong chợ Hàng Da nói. Ảnh: Nguyễn Yến



“Hàng cũ ở trong nước bán sao được. Hàng ngoại kiểu đẹp, chất đẹp, còn có người mua. Chứ hàng cũ do VN sản xuất, nhìn là biết ngay, ai thèm mua”, chị Linh nói.

Còn theo lý giải của dân chuyên “săn” hàng thùng, thì những món hàng này sở dĩ còn khá mới, độc và đẹp là vì đó là hàng của người giàu, họ “thải” đi để quyên góp ủng hộ từ thiện các nước nghèo.

“Có lần ở nước ngoài, trong 1 buổi tình nguyện, tôi thấy có người đã cởi áo ngoài ra để ủng hộ luôn. Ngoài ra, đó cũng có thể là những đồ mới nhưng đã lỗi mốt hoặc hàng được may riêng cho các ca sĩ, diễn viên. Họ mặc 1 lần là vất đi luôn”, Hiếu, một du học sinh ở Nhật nói.

Truy tìm nguồn gốc thực sự của những món hàng thùng quả thật là rất khó khăn. Song đa số những người bán hàng thùng cũng như những “tín đồ” hàng thùng đều khẳng định nguồn hàng được vận chuyển từ Campuchia về. Còn hàng từ đâu về Campuchia thì chịu.

Dù không thể biết được nguồn gốc xuất xứ thực sự của những món đồ này, nhưng đối với những người có thu nhập thấp, người thích dùng hàng độc thì hàng thùng vẫn là lựa chọn số một. Điều quan trọng là trước khi mặc, nên biết tẩy trùng sạch sẽ, đúng cách.

N.Yến