Nghịch lý… EVN
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:54, 22/04/2011
Như vậy là sau một loạt vụ việc đình đám của Vinashin, SCIC, ALC II, bây giờ đến lượt EVN, một doanh nghiệp lớn hoạt động theo mô hình tập đoàn kinh tế vốn nhà nước kinh doanh sản phẩm "chủ lực" có tác động sống còn với quốc kế, dân sinh. Mấy ngày trước, thông tin ALC II thua lỗ 3.000 tỷ đồng, trong khi còn nợ quỹ BHXH hơn 1.000 tỷ đồng đã khiến dư luận lo ngại sẽ ảnh hưởng đến đời sống của hàng triệu người đóng bảo hiểm. Nhưng điều ấy có lẽ không sốc bằng con số nợ của EVN. Được biết, hiện nay Bộ Công thương đang lên kế hoạch dàn xếp khoản nợ "khủng" này giữa các bên. Trong đó, một giải pháp đang được tính đến là cho phép EVN được vay ngân hàng để trả nợ. Thêm nữa, EVN vừa được cho phép tăng giá bán điện, với số tiền lãi tăng thêm, Tập đoàn này có thể sẽ đủ sức trả tiền nợ? Nhưng những khoản nợ được công bố ấy đã bộc lộ những bất ổn đằng sau hoạt động của EVN.
Trên thực tế với tổng doanh thu bán điện năm 2010 của EVN đạt 90.877 tỷ đồng, thì khoản lỗ 8.000 tỷ đồng có lẽ "chưa thấm tháp gì". Nhưng nếu đem so với doanh thu 2.885 tỷ đồng năm 2010 "đầu tư tay trái" của EVN trong lĩnh vực viễn thông thì cũng đáng lo ngại. Để bù đắp thua lỗ, thời gian qua, EVN đã ráo riết xin tăng giá điện cũng như được tính giá điện theo thị trường, mà theo lý giải của đơn vị này thì chỉ như vậy mới giảm được căng thẳng thiếu điện như hiện nay. Song song với tăng giá điện, EVN cũng xin thêm nhiều ưu đãi như: được bảo lãnh phát hành 1 tỷ USD trái phiếu quốc tế, vay 15.000 tỷ đồng từ Quỹ Bảo hiểm xã hội…
Tuy nhiên, sau bao tranh cãi và ngay cả sau khi EVN đã được tính giá điện theo thị trường thì dư luận vẫn còn đó câu hỏi: Phải chăng khi đầu tư sang các lĩnh vực khác mà lợi nhuận chưa như mong muốn và khi nhiều dự án nhà máy điện vẫn chậm tiến độ hoặc ngừng hoạt động vì trục trặc, không còn "bấu víu" vào đâu được thì EVN chọn một trong các giải pháp tăng giá điện để "bù lỗ"? Thực tế, nhiều chuyên gia và ngay cả người dân cũng cho rằng tăng giá không phải là giải pháp tối ưu để giải quyết tình trạng thiếu điện.
EVN là một tập đoàn lớn của Nhà nước và tên tuổi này không phải đến bây giờ mới được nhắc đến quanh chuyện lỗ, lãi. Từ cuối năm 2010, sau vụ việc Vinashin thua lỗ, EVN được điểm tên đầu tiên trong kiến nghị của nhiều đại biểu Quốc hội, yêu cầu phải tiến hành thanh tra, kiểm toán với lý do doanh nghiệp này đã độc quyền nhiều năm qua và chưa làm tròn trách nhiệm của mình. Trong khi thông báo lỗ lớn, nhưng EVN vẫn bỏ khoản tiền tới 2.000 tỷ đồng đầu tư ngoài ngành và tình trạng cắt điện khiến dư luận bức xúc. Cũng trong tình cảnh nợ nần bi bét, năm ngoái EVN lại đề nghị thưởng cho cán bộ trong ngành hơn 1.000 tỷ đồng. Lúc này, EVN đã có được điều mình mong ước là tính giá điện theo cơ chế thị trường, với hứa hẹn là tới năm 2013 sẽ chấm dứt tình trạng thiếu điện. Đó có thể là một dấu hiệu tốt. Khi áp dụng giá điện theo cơ chế thị trường thì điều kiện cần và đủ là thiết kế thị trường hoàn chỉnh, không bị chi phối bởi tình trạng độc quyền. Song song với đó là sự minh bạch trong hoạt động của EVN, yếu tố liên quan trực tiếp đến giá điện. Nhưng sẽ là quá sớm để khẳng định rằng triển vọng cung cấp điện sẽ tươi sáng hơn, khi trong khoản nợ 24.000 tỷ đồng hiện nay của EVN có 1/3 do kinh doanh bị lỗ (bán điện dưới giá thành), còn lại là tiền lãi suất, nghĩa vụ tài chính với ngân hàng hoặc liên quan đến nhiều khoản vay mượn!? Liệu áp giá điện mới "theo giá thị trường", có bao nhiêu phần "áp" người tiêu dùng trả nợ thay cho EVN?