Khai quật giếng cổ gần hai ngôi mộ cổ ở Ciputra
Xã hội - Ngày đăng : 07:02, 21/04/2011
PGS-TS Nguyễn Lân Cường, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Khảo cổ học Việt Nam cho biết, đến thời điểm này, công việc khai quật hai ngôi mộ cổ đã gần như hoàn tất. Ngoài chiếc bình cổ được phát hiện ngay hôm khai quật đầu tiên, các nhà khảo cổ còn thu được thêm 27 hiện vật ở ngôi mộ lớn và 5 hiện vật ở mộ nhỏ. Các hiện vật chủ yếu là đồ gốm, đinh sắt đã bị gỉ, một bát đồng mỏng đã bị vỡ...
Cả hai ngôi mộ đều không có dấu vết của gỗ quan tài và xương cốt, tuy nhiên, ông Nguyễn Lân Cường khẳng định mộ lớn chắc chắn có quan tài do tìm thấy đinh và không loại trừ mộ nhỏ cũng có thể có quan tài, nhưng được làm theo lối ghép mộng. "Dựa vào cấu trúc mộ, các hiện vật chôn theo, hai ngôi mộ có niên đại khoảng thế kỷ thứ IV đến thứ VI. Mộ được xây theo phong cách Hán, chủ nhân của chúng có thể khẳng định đến 95% là người Hán, nhưng cũng không loại trừ khả năng là người Việt".
Giếng có khả năng được sử dụng trong một thời gian. Ảnh: VnE |
Về giếng cổ, ông Nguyễn Lân Cường nhận định: "Rất có thể xung quanh khu vực này có một quần thể dân cư sinh sống nên mới có giếng nước. Quanh khu vực này cũng có thể có một bến sông". Chiều 20-4, các nhà khảo cổ học đã đào sâu thêm tới 4,6m tại giếng cổ. Giếng có cùng niên đại với hai ngôi mộ cổ và có khả năng được sử dụng trong một thời gian dài vì dưới giếng, các nhà khảo cổ đã tìm được những viên gạch có niên đại thế kỷ VII, VIII, IX.
Được biết, Bảo tàng Hà Nội đã có công văn đề nghị di dời toàn bộ chiếc giếng về bảo tàng để trưng bày. Các nhà khoa học cũng đang đợi quyết định của Sở VH,TT&DL Hà Nội về phương án xử lý đối với hai ngôi mộ cổ, nguyện vọng của các nhà khảo cổ là được giữ lại nguyên vẹn hai ngôi mộ này, có thể đóng khung mang toàn bộ về bảo tàng, hoặc khoanh vùng khu vực phát lộ để nhân dân tham quan, bởi rất hiếm khi phát hiện được hai ngôi mộ cổ còn khá nguyên vẹn như thế.