Bảo đảm quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân
Chính trị - Ngày đăng : 06:37, 21/04/2011
Đặc trưng thuộc về bản chất của Nhà nước ta là Nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Đó là:
1- Nhà nước do nhân dân bầu ra thông qua cơ chế phổ thông đầu phiếu.
2- Tự nó, mọi cơ quan quyền lực nhà nước không có quyền, mà chỉ thừa hành quyền lực do nhân dân ủy quyền.
3- Mọi hoạt động của Nhà nước phải vì lợi ích của nhân dân, tuân thủ nguyên tắc Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu ra: “Việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm; việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh”.
4- Mọi hoạt động của Nhà nước phải được đặt dưới sự kiểm tra, giám sát của nhân dân.
5- Nhân dân có quyền tỏ tín nhiệm hay bất tín nhiệm đối với Chính phủ...
Nhân dân có quyền đóng góp ý kiến tại những buổi tiếp xúc cử tri. Ảnh: Bảo Lâm
Để hiện thực hóa tinh thần đó, Đại hội XI của Đảng đã khẳng định: Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân; mọi đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đều vì lợi ích của nhân dân; cán bộ, công chức thật sự là công bộc của nhân dân.
Liên quan tới vấn đề thứ nhất, Đại hội XI của Đảng nhấn mạnh sự cần thiết phải “Hoàn thiện cơ chế bầu cử đại biểu Quốc hội để cử tri lựa chọn và bầu những người thực sự là đại biểu của mình vào Quốc hội...; có cơ chế để đại biểu Quốc hội gắn bó chặt chẽ và có trách nhiệm với cử tri”. Có hai điểm cần đặc biệt quan tâm:
Một là, giải quyết thỏa đáng mối quan hệ giữa cơ cấu vùng miền, giới tính, lứa tuổi, nghề nghiệp, dân tộc, tôn giáo... với chất lượng của đại biểu Quốc hội.
Hai là, trong số đại biểu Quốc hội, có một phần - tuy không lớn, đại biểu công tác ở trung ương nhưng được giới thiệu về các địa phương để ứng cử nhằm bảo đảm công dân ở mọi vùng của đất nước đều được thực hiện quyền bầu cử Quốc hội, song cũng do đó mà sự gắn bó chặt chẽ, sự hiểu biết thấu đáo lẫn nhau giữa đại biểu được bầu với cử tri ở nơi đã bầu ra mình cũng có khó khăn. Khi đó, việc thực hiện yêu cầu “đại biểu Quốc hội gắn bó chặt chẽ và có trách nhiệm với cử tri” đã trực tiếp bầu ra mình là một việc không đơn giản. Tìm ra phương thức giải quyết vấn đề này trở thành một chủ đề mà Ban chỉ đạo bầu cử Quốc hội khóa XIII cần hết sức quan tâm.
Để sự ủy quyền của nhân dân cho Nhà nước không dẫn tới tình trạng mình mất quyền - một biểu hiện rõ nhất, nổi bật nhất của sự tha hóa quyền lực nhà nước, nguyên nhân trực tiếp và sâu xa nhất của bệnh quan liêu, tham nhũng trong bộ máy nhà nước - không chỉ cần hoàn thiện cơ chế ủy quyền, mà còn phải hoàn thiện cơ chế chống lạm quyền. Một giải pháp quan trọng nhất được Đại hội XI nêu ra là phải phát huy vai trò của các cơ quan dân cử, của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân, các phương tiện thông tin đại chúng và của nhân dân trong việc giám sát không chỉ cán bộ, công chức nhà nước, mà cả các cơ quan nhà nước ngay từ khâu hoạch định chiến lược phát triển đến việc triển khai thực hiện các chiến lược đó, bảo đảm tất cả các chiến lược mà Nhà nước đưa ra đều xuất phát từ nhu cầu, lợi ích của nhân dân, thực sự vì lợi ích của nhân dân. Việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, Pháp lệnh dân chủ ở cơ sở trong những năm gần đây đã mang lại những bằng chứng khẳng định tính hữu hiệu của giải pháp này. Song để nhân dân thực hiện được quyền giám sát hoạt động của Nhà nước, cần dân chủ hóa, công khai hóa, minh bạch hóa mọi hoạt động của Nhà nước - trừ một số vấn đề đặc biệt thuộc bí mật quốc gia. Do vậy, Đại hội XI đã đặt vấn đề phải thực hiện chế độ công khai, minh bạch về kinh tế, tài chính trong các cơ quan hành chính, đơn vị cung ứng dịch vụ công, doanh nghiệp nhà nước; công khai, minh bạch về cơ chế, chính sách, các dự án đầu tư, xây dựng cơ bản, mua sắm từ ngân sách nhà nước, huy động đóng góp của nhân dân, quản lý và sử dụng đất đai, tài sản công, công tác tiếp nhận, bổ nhiệm cán bộ; thực hiện có hiệu quả việc kê khai và công khai tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức theo quy định.
Tôn trọng quyền của nhân dân và việc nhân dân có thực hiện được quyền đó hay không là hai chuyện khác nhau. Lưu ý tới vấn đề này, Đại hội XI cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải nâng cao năng lực của nhân dân trong việc thực hiện quyền lực của mình.
Liên quan tới vấn đề thứ năm, cần lưu ý rằng, ngay từ khi chỉ đạo xây dựng Hiến pháp năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đưa vào bản hiến pháp đó vấn đề trưng cầu dân ý. Từ đó đến nay, do nhiều lý do khách quan và chủ quan, cơ chế đó chưa được thực hiện. Giờ đây, việc trở lại vấn đề này đã chín muồi. Việc lấy phiếu tín nhiệm của nhân dân đối với Chính phủ nói chung, đối với những cương vị chủ chốt trong bộ máy nhà nước nói riêng cần được xem là một việc làm hết sức cần thiết. Có thể và cần phải thực hiện dần từng bước - từ mức độ lấy phiếu tín nhiệm một số cương vị trong Quốc hội, hội đồng nhân dân cấp tỉnh, thành phố... đến lấy ý kiến nhân dân về sự tín nhiệm đối với một số bộ phận của bộ máy quyền lực nhà nước...
Việc hiện thực hóa một số vấn đề nêu trên chắc chắn sẽ góp phần làm cho nhân dân thực sự là chủ thể của mọi quyền lực nhà nước như Đại hội XI nêu ra.