Sữa bột dự kiến không bị tăng thuế nhập khẩu
Kinh tế - Ngày đăng : 11:36, 20/04/2011
Thực tế, công văn số 4388/BTC-CST ngày 5/4/2011 do Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn gửi các Bộ, ngành, Hiệp hội về dự kiến điều chỉnh thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đối với một số mặt hàng không khuyến khích nhập khẩu đã phân loại sữa vào trong số 158 dòng thuế là nguyên liệu sản xuất hoặc có tính chất lưỡng dụng, mặt hàng trong nước không sản xuất được cần duy trì mức thuế suất thấp, mặt hàng tiêu dùng thiết yếu. Công văn số 4388/BTC-CST cho biết với các sản phẩm sữa dùng cho trẻ em, Bộ Tài chính dự kiến không điều chỉnh tăng thuế.
Theo đó, Bộ Tài chính chỉ dự kiến điều chỉnh tăng thuế suất cho 11 dòng thuế có mức thuế suất thấp hơn mức cam kết WTO 2011 từ 4% trở lên, bao gồm các mặt hàng không thiết yếu như thuốc lá, bồn tắm, máy in phun...
Có thể thấy, đề xuất của Bộ Tài chính không tiếp tục nâng thuế suất các mặt hàng sữa sau khi đã điều chỉnh tăng từ 5% lên 10% ngày 1/1/2011 là rất hợp tình, hợp lý để kiềm chế lạm phát và không tăng thêm gánh nặng cho hàng chục triệu người tiêu dùng, vốn đã rất khó khăn do giá cả tăng cao thời gian qua.
Hiện tại thuế suất nhập khẩu sữa của Việt Nam đã ở mức cao nhất trong khu vực, cụ thể là thuế nhập khẩu sữa bột thành phẩm của Singapore là 0%, Indonesia và Thái Lan là 5%; trong khi sữa Similac của Ireland cho trẻ nhỏ hay Ensure của Hoa Kỳ cho người cao tuổi và bệnh nhân nhập vào Việt Nam đều chịu mức thuế suất 10%.
Sữa là mặt hàng thiết yếu cho trẻ em, đặc biệt là khi hầu hết các bà mẹ ở nước ta đều đi làm sau khi mới sinh được 3-4 tháng, do đó phải cho con ăn thêm sữa ngoài, chứ chưa được nhà nước trợ cấp nghỉ cả năm để nuôi con như ở các nước phát triển. Hơn nữa, sản xuất nội địa chỉ mới cung ứng được hơn 20% nhu cầu sữa của cả nước, phần lớn vẫn phải dựa vào sữa nhập khẩu. Trong khi đó, mức tiêu dùng sữa của người Việt Nam vẫn ở mức rất thấp so với thế giới. Bình quân mỗi năm người dân Pháp dùng tới 130 kg sữa, người dân Thái Lan, nước láng giềng của chúng ta, cũng dùng tới 25 kg, nhưng người Việt Nam mới chỉ có 9 kg.
Theo quy luật sinh học, khi nhu cầu dinh dưỡng được đáp ứng đầy đủ, cứ khoảng 10 năm, chiều cao trung bình của người trưởng thành sẽ tăng thêm từ 1-2 cm. Tuy vậy, theo số liệu của Viện Dinh dưỡng Quốc gia, trong 30 năm từ 1945-1975, do dinh dưỡng kém nên chiều cao trung bình của nam giới Việt Nam trưởng thành vẫn là 160cm, không tăng lên được. Trong khi đó, ở Nhật Bản chỉ trong 20 năm từ 1957-1977, chiều cao trung bình của nam giới trưởng thành đã tăng 4,3 cm, không còn ai gọi người Nhật là “Nhật lùn” nữa. Do đó, để cải thiện tầm vóc của thế hệ tương lai, chúng ta cần tích cực cho trẻ em uống sữa, nhất là các loại sữa đã được bổ sung đầy đủ vi chất dinh dưỡng theo các tiêu chuẩn quốc tế.
Trong khi sự điều chỉnh tăng thuế suất một số mặt hàng tiêu dùng không thiết yếu là cần thiết để kiềm chế nhập siêu, tăng thu cho ngân sách; đa phần người tiêu dùng bày tỏ mong muốn Nhà nước giữ nguyên và giảm thuế suất cho các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu như sữa bột cho trẻ em, sữa cho người già, bệnh nhân để ổn định đời sống và chăm sóc sức khỏe cho đông đảo mọi tầng lớp nhân dân.