Xã Vĩnh Ngọc (Đông Anh): Phía sau cơn “sốt” đất

Xã hội - Ngày đăng : 07:26, 20/04/2011

(HNM) - Thời gian gần đây, dân đầu cơ bất động sản Hà Nội sôi sùng sục trong cơn sốt đất ở huyện Đông Anh mà


Đổi đời nhờ quy hoạch

Chúng tôi đến xã Vĩnh Ngọc vào ngày đầu hè, cả xã như một công trường sôi động. Nhiều dự án, trong đó có dự án cầu Nhật Tân, đang nỗ lực triển khai khiến cho trục đường chính mù mịt bụi. Đường làng khang trang, nhà cao tầng san sát. Nhiều nhà vẫn để tường mộc, chờ khô ráo mới quét vôi hoặc sơn bả. Khoảng một năm trở lại đây, dân xã Vĩnh Ngọc như được đổi đời.

Bà Bùi Thị Thường, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Vĩnh Ngọc cho biết, cả xã có 4 thôn với khoảng 3.000 hộ, gồm 13.000 nhân khẩu. 5 dự án lớn triển khai trên địa bàn xã liên quan đến 70% số hộ dân với diện tích giải phóng mặt bằng lên tới hơn 150ha. Một xã không lớn mà có nhiều dự án: hồ điều hòa, công viên cây xanh kết hợp nghĩa trang, quốc lộ 5 kéo dài, cầu Nhật Tân và khu tái định cư, quả là sự thay đổi quá lớn. Đất canh tác bị thu hẹp trong khi giá đất ở tăng chóng mặt. Nông dân vốn quanh năm chân lấm tay bùn, chả mấy khi cầm đến bạc triệu mà nay có cả bạc tỷ. Nhiều dự án về địa phương, người dân mất đất sản xuất nhưng lại bán được đất thổ cư giá cao, đời sống kinh tế - xã hội ở địa phương thay đổi trông thấy. Mặt thuận lợi có nhưng cũng phát sinh nhiều khó khăn phức tạp trong quản lý đất đai, đã xảy ra nhiều vụ tranh chấp trong chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Có lẽ, phía sau "chảo lửa" đất đai ở đây, các mối quan hệ trong gia đình, làng xóm đã dần bị đồng tiền chi phối. Cách đây dăm bẩy năm, giá đất ở Vĩnh Ngọc chỉ 2-3 triệu đồng/m2, một số hộ gia đình cần tiền đã bán từ ngày đó, đến năm 2008 -2009 cũng đất đó giá lên 30-50 triệu đồng/m2 và từ năm ngoái tới nay giá đã lên từ 50 đến cả trăm triệu đồng mỗi mét vuông, tùy vị trí. Đất thổ cư ở Vĩnh Ngọc không còn nhiều, mỗi hộ chỉ sở hữu từ 200 - 300m2.

Giờ Vĩnh Ngọc không chỉ nóng bởi cơn sốt đất thổ cư mà còn bởi công tác GPMB các dự án trên địa bàn. Nhà nước đã có cơ chế chính sách cụ thể cho từng loại đất, từ thổ cư đến đất nông nghiệp giao khoán cho hộ dân, đất công… nhưng không ít hộ cố tình không chấp hành khiến tình hình tại địa phương thêm phức tạp.

Nông dân vẫn dựa vào nông nghiệp


Cơn "sốt" đất ở Vĩnh Ngọc đã dịu lại. Chúng tôi gặp bà Đinh Thị Dĩnh, xóm 9, Ngọc Chi, dường như cơn lốc đô thị hóa còn chưa gõ cửa gia đình bà. Bà Dĩnh cho biết, gia đình có hơn 4 sào ruộng, qua 3 lần nhận tiền đền bù GPMB, lần nhiều nhất là hơn 200 triệu đồng, lần ít nhất là 80 triệu đồng đến nay gia đình bà còn 2 sào ruộng. Số tiền đền bù đó một phần gửi tiết kiệm, sửa chữa nhà cửa… giờ cũng chẳng còn là bao. Ngoài thời gian đi làm thêm ngày công, thu nhập từ 80.000 đến 100.000 đồng/ngày, bà vẫn dành thời gian thuê lại ruộng của anh em, trồng hơn 2 sào su hào, bắp cải. Hiện nay ở Vĩnh Ngọc, các khu CN mọc lên đã thu hút nhiều lao động… nên rau xanh cũng được giá, người trồng nông sản bán "tận ngọn", chỉ 3 ngày là bà đã bán xong cả sào bắp cải, thu về hơn 3 triệu đồng ngay tại ruộng. Bà kể, gia đình nhà chồng có tới hơn chục anh em, bố mẹ đẻ của bà cũng có gần 10 người con nên đất đai của gia đình cũng không nhiều. Mảnh đất hơn 200m2 gia đình đang ở, giờ quy ra giá thị trường cũng được số tiền kha khá, nhưng nếu cắt ra bán, bà lo xa sau này đời con, đời cháu lấy đâu chỗ mà ở?

Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Vĩnh Ngọc Bùi Thị Thường cho biết, đối với các vùng diện tích đất nông nghiệp còn lại, năm 2009 huyện và xã đã quy hoạch chuyển đổi sang trồng hoa, cây cảnh… nhưng đến nay vẫn "giậm chân tại chỗ" do nông dân không chịu dồn ô đổi thửa, chỉ chờ dự án vào giải phóng mặt bằng. Do đó, những hộ còn lại làm nông nghiệp thu nhập rất bấp bênh vì đồng ruộng manh mún mà chủ yếu trồng lúa và ngô năng suất không cao. Đời sống của người dân Vĩnh Ngọc hiện đã thay đổi, nhưng vẫn còn đó nhiều vấn đề mà chính quyền xã cần tập trung tháo gỡ...

Bạch Thanh