Cảnh giác khi trẻ thường xuyên viêm họng

Sức khỏe - Ngày đăng : 10:04, 19/04/2011

Thấy con hay ho, sốt, chị Xuân (40 tuổi, Hà Tĩnh) chỉ nghĩ là chuyện bình thường. Nhưng khi lên lớp 7, trẻ bắt đầu kêu mệt, đau tức ngực, đưa đi khám, chị không ngờ con bị bệnh thấp tim, đã biến chứng hở van hai lá.

Trẻ bị viêm họng chủ yếu do virus, tuy nhiên vẫn có một tỷ lệ không nhỏ do vi khuẩn. Ảnh minh họa: Minh Thùy.

Thấy con hay ho, sốt, chị Xuân (40 tuổi, Hà Tĩnh) chỉ nghĩ là chuyện bình thường. Nhưng khi lên lớp 7, trẻ bắt đầu kêu mệt, đau tức ngực, đưa đi khám, chị không ngờ con bị bệnh thấp tim, đã biến chứng hở van hai lá.

Nhìn bề ngoài gày gò, những ngón tay gầy quắt lại, trơ cả xương, hai chân bị phù, không ai nghĩ cô con gái chị Xuân đã 16 tuổi. Khi còn học mẫu giáo, cô bé rất bụ bẫm, khỏe mạnh, không mấy khi ốm đau. Nhưng từ khi đi học, bé lại hay ốm vặt, uống hết một đợt thuốc được khoảng một tuần lại thấy ho, đau họng, sốt.

"Trẻ con thì sốt, đau họng là chuyện cơm bữa, chứ tôi có ngờ đâu. Dù uống thuốc suốt mấy năm nay nhưng tình trạng của cháu ngày càng nặng. Giờ tôi chỉ còn biết trông chờ vào việc phẫu thuật để hy vọng kéo dài sự sống cho con", chị Xuân buồn bã nói.

Bác sĩ Vũ Quỳnh Nga, Phó khoa Điều trị, Bệnh viện Tim Hà Nội cho biết, với trường hợp bị bệnh tim hở van hai lá thì việc dùng thuốc chỉ nhằm cải thiện triệu chứng mệt, khó thở và làm chậm đi diễn tiến bệnh đến suy tim chứ không chữa được bệnh một cách triệt để. Ở trường hợp con chị Xuân không phải là bệnh bẩm sinh mà là biến chứng của bệnh thấp tim.

Thấp tim là bệnh thường gặp ở trẻ từ 5 đến 15 tuổi, xảy ra sau khi bị viêm họng, amidan do nhiễm liên cầu khuẩn tán huyết nhóm A. Bệnh có thể gây suy tim, phù phổi trong giai đoạn cấp dẫn tới tử vong.

“Bệnh khá phổ biến nhưng vì biểu hiện lâm sàng không rõ ràng nên dễ bị bỏ qua và ít được chú ý. Đây là nguyên nhân của tuyệt đại đa số các các trường hợp mắc bệnh van tim ở tuổi trưởng thành”, bác sĩ Nga nói.

Theo bác sĩ Nga, bệnh có 2 dạng biểu hiện: điển hình và không điển hình. Trong các trường hợp điển hình, triệu chứng thường khá rầm rộ: trẻ sốt cao, sưng đau khớp (thường là các khớp lớn: cổ chân, cổ tay, đầu gối, khớp khuỷu...), khớp sưng đau, nóng, đỏ và thường di chuyển. Bệnh thường tự hết sau vài ngày dù không được điều trị. Một số trẻ đến viện có biểu hiện suy tim cấp: mệt, da xanh tái, khó thở, phù, đái ít...

Tuy nhiên, thực tế đa phần các ca bệnh không có dấu hiệu rõ ràng với tình trạng viêm họng tái diễn nhiều lần, các biểu hiện khớp mơ hồ, viêm tim nhẹ nên đã bị bỏ qua. Đến khi được phát hiện, thì bệnh đã gây nhiều di chứng van tim nặng nề: hẹp hở van hai lá, hẹp hở van động mạch chủ..., bác sĩ Nga cho biết.

Phó giáo sư Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cũng cho biết, không phải tất cả những trẻ viêm họng đều bị thấp tim. Viêm họng là bệnh phổ biến trong cộng đồng đặc biệt là đối với trẻ. Bệnh thường nhẹ, không gây nguy hiểm, thường tự khỏi nếu sức đề kháng của cơ thể tốt vì nguyên nhân gây bệnh chủ yếu là do virus.

“Tuy nhiên vẫn có khoảng 20-30% các ca viêm họng là do liên cầu khuẩn tan huyết nhóm A, dễ gây biến chứng nặng nề. Nếu không được điều trị có thể gây bệnh thấp tim, viêm khớp, viêm cầu thận”, phó giáo sư Dũng cho biết.

Vì thế, khi trẻ bị viêm họng mà có các biểu hiện như: viêm kết mạc, chảy mũi, ho, tiêu chảy…, thì cha mẹ không nên quá lo lắng. Tuy nhiên, nếu trẻ sốt cao trên 38,5 độ C, mệt mỏi, sưng đau hạch cổ, đau đầu, nốt xuất huyết ở vòm, đau bụng, khởi bệnh đột ngột (dưới 12 giờ), chất xuất tiết ở họng, amidan... thì cần đưa đi khám vì bé có thể bị viêm họng do liên cầu, tránh biến chứng nặng.

Với những trẻ đã bị thấp tim thì cần được bác sĩ chuyên khoa tim mạch điều trị, theo dõi thường xuyên. Đặc biệt cần tuân thủ theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ khi cho trẻ uống thuốc chống viêm và điều trị suy tim, không tự động ngưng, tăng hoặc giảm liều vì bệnh có thể nặng lên, nguy hiểm cho trẻ.

* Tên nhân vật đã được thay đổi.

Phương Trang