Thắp sáng những ước mơ

Đời sống - Ngày đăng : 07:11, 19/04/2011

(HNM) - Ngay từ khi mới chào đời, thị lực của anh Tạ Đình Hán, ở phường Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội đã rất kém. Bố mẹ đưa anh đi chữa trị nhiều nơi nhưng vẫn không khỏi.

Học đến lớp 5 anh đành phải nghỉ học vì không nhìn thấy ánh sáng. Tuổi thơ quanh quẩn với bốn bức tường trong nhà khiến anh bi quan, chán nản. Nhưng rồi cuộc đời anh đã có ý nghĩa hơn khi anh tham gia sinh hoạt ở Hội Người mù quận Hoàn Kiếm. Tại đây, anh được học chữ nổi, học nghề tẩm quất, được giao lưu với những người cùng cảnh. Sau khi có tay nghề, anh đã đứng ra thành lập cơ sở tẩm quất ở 17 ngõ Gạch, phường Hàng Buồm. Hai năm sau, Hội Người mù quận Hoàn Kiếm đứng ra tín chấp cho vay 15 triệu đồng, lãi suất 0,3%/năm, anh mở thêm cơ sở nữa ở 150 phố Vọng Hà, quận Hai Bà Trưng. Hiện anh đang là ông chủ của 4 cơ sở tẩm quất, doanh thu đạt 840 triệu đồng/năm, tạo việc làm ổn định cho 20 lao động, trong đó có 18 lao động khiếm thị, thu nhập bình quân 2 triệu đồng/tháng.

Người khiếm thị được tiếp cận kiến thức công nghệ thông tin.


Anh Nguyễn Châu Sơn, Chủ tịch Hội Người mù quận Hoàn Kiếm cho biết, rất nhiều người khiếm thị trên địa bàn quận Hoàn Kiếm nhận được sự hỗ trợ, giúp đỡ của hội. Trong 5 năm (2006-2011), Hội đã mở được 5 lớp đào tạo nghề xoa bóp, bấm huyệt, vi tính, làm chổi miễn phí cho 30 hội viên; đứng ra tín chấp cho 35 hội viên vay vốn hơn 200 triệu đồng để phát triển kinh tế gia đình. Nhờ đó nhiều gia đình khiếm thị đã cải thiện được chất lượng cuộc sống, thoát khỏi cảnh nghèo khó. Vợ chồng bà Phạm Thị Thu và ông Trần Quang Đồng đều hỏng mắt, cuộc sống hết sức khó khăn. Được hội hỗ trợ cho vay vốn, hai vợ chồng đã mạnh dạn đầu tư, kinh doanh chổi, nhờ đó đã cải thiện được cuộc sống và còn nuôi được hai con học lên đại học. Chị Thu Lan bị khiếm thị bẩm sinh, khó khăn lắm mới tự phục vụ được bản thân chưa nói đến phụ giúp công việc gia đình. Tham gia sinh hoạt ở hội, chị được học nghề xoa bóp, bấm huyệt, rồi được tạo việc làm. Hiện chị có thu nhập 2 triệu đồng/tháng. Chị bảo, giờ đây cuộc sống thật tươi đẹp và đầy ý nghĩa vì không phải sống phụ thuộc vào gia đình.

Hội Người mù quận Hoàn Kiếm có 300 hội viên, trong đó phần lớn có hoàn cảnh hết sức khó khăn. Trong những năm qua, để giúp đỡ các hội viên vươn lên, hòa nhập cộng đồng, Hội đã triển khai thực hiện nhiều biện pháp, đó là tập trung dạy chữ nổi, đào tạo nghề vi tính, xoa bóp, bấm huyệt cho các hội viên hoặc hỗ trợ hội viên vay vốn, làm chổi, đóng gói tăm. Bên cạnh đó, Hội phối hợp với các tổ chức xã hội khác để tìm kiếm thị trường tiêu thụ cho những sản phẩm do hội viên làm ra đã giúp người khiếm thị có việc làm, thu nhập ổn định từ 1,5 triệu đồng/tháng đến 1,8 triệu đồng/tháng... Tỷ lệ hội viên nghèo giảm từ 25% (năm 2006) xuống còn 15% (năm 2011); 100 cán bộ hội viên của hội đã được các cấp từ cơ sở đến trung ương khen thưởng. Hội được UBND TP Hà Nội tặng 3 cờ thi đua đơn vị có thành tích xuất sắc và 1 bằng khen. Hội Người mù TP Hà Nội, Quận ủy, UBND, Ủy ban MTTQ quận Hoàn Kiếm tặng hội 7 giấy khen.

Theo anh Nguyễn Châu Sơn, Hội cần sự quan tâm nhiều hơn nữa của Đảng bộ, chính quyền các cấp, của các tổ chức xã hội và những tấm lòng hảo tâm; Hội mong được hỗ trợ kinh phí, được đầu tư cơ sở vật chất để tiếp tục mở lớp dạy chữ, dạy nghề cho tất cả hội viên.

Bài, ảnh Quỳnh Anh