Đừng tạo sức ép tâm lý và kinh tế cho phụ huynh học sinh

Giáo dục - Ngày đăng : 07:08, 19/04/2011

(HNM) - Quy định về quản lý dạy thêm, học thêm (DT, HT) trên địa bàn thành phố Hà Nội do UBND thành phố ban hành có hiệu lực từ ngày 18-4, được kỳ vọng sẽ góp phần điều trị

Chị Nguyễn Phương Mai (phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng): Dạy thêm, học thêm không xấu
Theo tôi, chuyện DT, HT xét về khía cạnh nào đó là nhu cầu của xã hội. Điều đáng nói là nhiều năm qua nó đã bị biến tướng dưới nhiều hình thức, mà chủ yếu mục đích của người dạy là vì kinh tế. Có một thực tế, hầu hết các lớp DT, HT là học trước chương trình. Nhiều giáo viên dạy sơ sài trên lớp, buộc học sinh phải học thêm nếu không sẽ không hiểu được bài. Nhiều giáo viên "khuyến khích" học sinh HT bằng cách dạy trước chương trình, cho học sinh HT biết trước nội dung các bài kiểm tra, bài thi học kỳ... Tôi đã chứng kiến rất nhiều học sinh đi HT chỉ vì sợ thầy cô bộ môn và bị bố mẹ bắt đi học với mong muốn con mình nắm chắc kiến thức. Với "động cơ" học tập thụ động như vậy, làm sao các em có thể hào hứng tiếp thu kiến thức? Chưa kể, sau cả ngày học tập mệt nhoài tại trường, lẽ ra được vui chơi, giải trí, xem lại bài vở... các em lại phải vùi đầu vào các lớp HT khi cả thể chất, tinh thần đều quá mệt mỏi. Bản chất của việc DT, HT không hề xấu, nhưng cần nhận dạng và ngăn chặn ngay hình thức DT, HT biến tướng, mang tính thương mại để việc học và dạy ngày càng đi vào thực chất.

Anh Lê Trí Kiên (phường Quảng An, quận Tây Hồ): Phụ huynh phải nhận thức đúng
Thực tế có rất nhiều gia đình "sính" thành tích, sợ kết quả học tập của con không "bằng bạn bằng bè", nên đã cho con tham gia các lớp HT một cách vô tội vạ. Đó là một trong những nguyên nhân khiến tình trạng DT, HT ngày càng lan tràn. Bên cạnh đó, có nhiều thầy cô giáo coi việc tổ chức DT, HT là "nguồn thu nhập chính", do vậy đã bắt ép học sinh phải tham gia HT dưới hình thức "tự nguyện". Theo tôi, để chấm dứt nạn DT, HT tràn lan như thời gian qua, cùng với những quy định bắt buộc do UBND TP ban hành, chúng ta cần tuyên truyền sâu rộng giúp phụ huynh học sinh nhận thức đúng vấn đề.

Chị Nguyễn Xuân Quang (PHHS Trường Tiểu học Ngô Gia Tự, quận Long Biên): Vấn đề là biện pháp quản lý
Mặc dù đã học bán trú tại trường, nhưng một tuần hai buổi, con tôi vẫn đến học tại nhà cô giáo chủ nhiệm vào các ngày nghỉ cuối tuần. Có giai đoạn, do cô giáo không tổ chức được lớp học, cháu và các bạn phải học vào buổi tối của ngày thường, ngay sau khi kết thúc buổi học tại trường. Biết là ép con học như vậy sẽ gây căng thẳng mệt mỏi nhưng vì thấy các phụ huynh khác đều đăng ký cho con theo học nên tôi cũng phải đăng ký theo. Hiện nay cháu luôn đạt học sinh giỏi nhưng nếu không HT liệu cháu có còn giữ được thành tích đó? Tôi cũng như nhiều phụ huynh học sinh khác không biết việc cô giáo tổ chức lớp học như vậy có đúng quy định của cơ quan quản lý không?  Bởi, với tâm lý e ngại chung, không phụ huynh nào dám đặt câu hỏi này đối với cô giáo của con em mình. Mong rằng cùng với quy định này, thành phố Hà Nội sẽ có những biện pháp để quản lý chặt các cơ sở DT, dạy ngoài giờ.

Cô Vũ Hà (giáo viên THCS, quận Tây Hồ): Phụ huynh cũng có phần trách nhiệm
Từ nhiều năm trước, ngành giáo dục, đào tạo đã có quy định về việc quản lý DT, HT. Nếu nhìn vào cục diện chung của nền giáo dục, việc tổ chức DT, HT "chính quy" trong các nhà trường hoặc các cơ sở được cấp phép hầu như không có. Tuy nhiên, trên thực tế việc DT, HT ở bên ngoài vẫn khá phổ biến. Điều này xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Đầu tiên là do giáo trình quá nặng, thời gian trên lớp giáo viên thường phải "chạy" cho hết giáo án nên ít có thời gian giảng thêm, mở rộng kiến thức cho học sinh. Khi tổ chức các lớp DT, HT, giáo viên có điều kiện, có thời gian dạy nâng cao hơn nên học sinh nào HT sẽ được học và biết nhiều hơn những học sinh không HT. Thứ hai là tâm lý của cha mẹ học sinh, sợ dù con em mình đã học khá, giỏi nhưng nếu không HT sẽ thua kém bạn bè cùng lớp, từ đó cho con em mình theo học tất cả các nhóm, lớp do giáo viên tổ chức một cách vô điều kiện. Việc dạy và học này thường được tổ chức theo nhóm nhỏ, ở ngay chính nhà thầy cô giáo hoặc ở địa điểm xen kẽ trong nhà ở, khu dân cư. Phụ huynh học sinh cũng chỉ biết tin tưởng giáo viên, mong muốn con em mình thu nhận được kiến thức và kết quả học tập tốt hơn nên hiếm khi có trường hợp phản hồi với cơ quan quản lý về các nhóm, lớp này. Đây cũng là yếu tố dẫn đến nguyên nhân thứ ba là ngành chức năng không thể quản lý được việc DT, HT tràn lan dẫu biết việc này sẽ tạo sức ép tâm lý nặng nề cho học sinh, gánh nặng kinh tế cho phụ huynh.

Bảo Nga - Sơn Trà