Hà Nội: Thiếu đất “sạch” để thu hút đầu tư

Bất động sản - Ngày đăng : 06:59, 19/04/2011

(HNM) - Đến nay, các khu công nghiệp (KCN) Hà Nội đã thu hút được 529 dự án, trong đó có 249 dự án đầu tư nước ngoài, với tổng vốn đăng ký 3,61 tỷ USD và 280 dự án đầu tư trong nước, tổng vốn đăng ký 12.358 tỷ đồng.


Lắp ráp linh kiện điện tử tại Nhà máy Canon Việt Nam. Ảnh: Bảo Lâm



Quý I-2011, Ban Quản lý (BQL) các KCN và chế xuất Hà Nội đã cấp mới 7 giấy chứng nhận đầu tư, với vốn đăng ký 4,7 triệu USD và 220,7 tỷ đồng; cấp giấy chứng nhận điều chỉnh tăng vốn cho 5 dự án, với tổng vốn 17 triệu USD và 26 tỷ đồng. BQL còn cấp mới giấy chứng nhận đầu tư và giấy chứng nhận điều chỉnh tăng vốn cho các dự án trong các cụm công nghiệp với mức vốn tăng 41 tỷ đồng. Như vậy, trong quý I, các KCN Hà Nội đã thu hút được 35,44 triệu USD, tăng 26,5% so với cùng kỳ năm 2010. Hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp (DN) trong KCN đều đạt hiệu quả, nên doanh thu của các DN đạt khoảng 812,7 triệu USD, tăng 23,2% so với cùng kỳ; nộp ngân sách đạt 17,2 triệu USD, tăng 19%; giải quyết việc làm cho 105.166 lao động, tăng 6,46%. Tỷ lệ vốn điều chỉnh tăng cao phần nào cho thấy môi trường đầu tư trong các KCN Hà Nội được cải thiện, nhờ đó nguồn vốn đầu tư nước ngoài vào các KCN chiếm tỷ trọng lớn trong tổng vốn đầu tư ở thành phố. Song trên thực tế lại chưa thu hút được những dự án lớn, có hàm lượng chất xám cao.

Lãnh đạo BQL cho biết, thiếu quỹ đất "sạch" là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự hạn chế nhà đầu tư trong, ngoài nước vào các KCN Hà Nội. Bên cạnh đó, sự thất thường của thị trường bất động sản trong năm qua cùng với tác động của Nghị định 69/2009/NĐ-CP về quy hoạch sử dụng đất, giá đất, bồi thường đất và tái định cư khiến giá thuê đất đã có hạ tầng cao gấp 5 lần so với các tỉnh khác, với mức bình quân khoảng hơn 100 USD/m2 cũng hạn chế khả năng thu hút đầu tư. Ngoài ra, tiến độ GPMB ở các KCN còn chậm do nhiều yếu tố khách quan, nên việc đưa vào khai thác chưa đúng kế hoạch. Mặc dù thành phố đã có nhiều giải pháp trong việc thực hiện thủ tục đầu tư theo quy trình "một cửa" cùng những chính sách hỗ trợ khác, nhưng vẫn chưa đủ mạnh để "gọi" đầu tư. Điều đó cho thấy, yếu tố cơ sở hạ tầng ảnh hưởng lớn đến khả năng thu hút đầu tư. Nơi nào có cơ sở hạ tầng trong, ngoài hàng rào KCN hoàn chỉnh, việc "gọi" đầu tư tương đối thuận lợi, còn hệ thống hạ tầng kém, dù địa phương có áp dụng chính sách ưu đãi tối đa cũng khó thu hút nhà đầu tư.

Để thu hút đầu tư, nhất là những dự án có quy mô lớn vào Hà Nội, ngành chức năng cần có giải pháp tháo gỡ vướng mắc về chính sách đền bù, GPMB; tập trung củng cố, nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng, dịch vụ và môi trường đầu tư các KCN hiện có, thay vì thành lập mới KCN. Tiếp tục giải quyết linh hoạt, kịp thời chính sách ưu đãi thu hút đầu tư, nâng cao hiệu quả chức năng quản lý nhà nước đối với hoạt động các KCN.

Được biết, BQL các KCN và chế xuất Hà Nội đang nỗ lực đôn đốc các chủ đầu tư xây dựng hạ tầng hoàn thiện, duy tu bảo dưỡng công trình hạ tầng để đáp ứng yêu cầu các nhà đầu tư thứ phát; đẩy nhanh tiến độ GPMB các KCN Hỗ trợ Nam Hà Nội, Quang Minh II, Nội Bài mở rộng để có đất sạch thu hút đầu tư. Đồng thời, theo dõi, nắm bắt tình hình, đôn đốc chủ đầu tư các KCN Phụng Hiệp, Bắc Thường Tín hoàn thiện các thủ tục thu hồi đất sau khi được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương cho phép triển khai. Bên cạnh đó, đôn đốc chủ đầu tư KCN hỗ trợ Nam Hà Nội, KCN sạch Sóc Sơn đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch chi tiết; hoàn chỉnh quy hoạch chi tiết điều chỉnh KCN Quang Minh I, Thạch Thất - Quốc Oai, Hà Nội - Đài Tư để trình TP phê duyệt. Bên cạnh đó, tăng cường các giải pháp tháo gỡ vướng mắc cho DN về thuế, hải quan, vay vốn, hỗ trợ hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường...

Hà Nội hiện có 8/17 KCN đi vào hoạt động với diện tích 1.235ha, thu hút 529 dự án với diện tích lấp đầy được 1.056,35ha (đạt 86%). Còn 9 KCN chưa hoạt động vẫn đang trong quá trình triển khai các thủ tục. Trong đó, khu công nghệ cao sinh học Từ Liêm 200ha và KCN Bắc Thường Tín 388ha, Phụng Hiệp 174ha, Sóc Sơn 340ha vẫn đang trong diện rà soát; khu công viên phần mềm công nghệ thông tin Him Lam 38ha, KCN Đông Anh 300ha, KCN Hỗ trợ Nam Hà Nội 440ha chưa hoàn tất các thủ tục đầu tư; KCN Kim Hoa 100ha vẫn vướng mắc về địa giới hành chính và KCN Quang Minh II 266ha đang bế tắc về GPMB.

Thanh Hiền