Bài 2: Đổi giấy hẹn, lấy giấy hẹn

Giới trẻ - Ngày đăng : 06:56, 19/04/2011

(HNM) - Trường hợp bà Cao Thị Lạng lận đận 7 năm trời gõ các cửa mà chưa có được sổ đỏ (trong số báo ra ngày 18-4-2011) không phải là hiếm gặp ở Hà Nội. Tạm gác lại việc tìm sự thực đằng sau câu chuyện của bà Lạng, chúng ta cùng phải nhìn nhận một sự thực rằng đã và đang có không ít cán bộ cơ sở

Cầm được tấm sổ đỏ có khi là cả một hành trình gian nan với nhiều người.


Cửa sau mau hơn cửa trước!

Theo quy định mới ban hành, việc giải quyết cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà (gọi tắt là sổ đỏ) không quá 50 ngày làm việc, không kể thời gian nộp thuế. Thế nhưng, trên thực tế rất hiếm trường hợp thực hiện đúng khung thời gian này.

Trong quá trình tìm hiểu về những trường hợp vướng mắc khi làm sổ đỏ, chúng tôi luôn nhận được những lời phàn nàn của người dân nhưng khi được đề nghị đưa việc của mình lên báo, ai cũng lắc đầu nói đại ý là "để anh/chị lo xong việc cho gia đình đã". Anh Dũng nhà ở phố Minh Khai (quận Hai Bà Trưng) là một trong số các trường hợp như thế. Sau khi xin phép không được nêu tên thật trên báo, anh Dũng kể lại: "Giữa tháng 10-2010, sau khi đến nộp hồ sơ ở Văn phòng Đăng ký đất và nhà quận Hai Bà Trưng, anh phấn khởi ra về với giấy hẹn ghi rõ một ngày cụ thể đầu tháng 12-2010 quay lại lấy sổ đỏ". Đúng ngày hẹn, anh Dũng có mặt tại Văn phòng Đăng ký đất và nhà ngay từ đầu giờ và lấy số như nhiều người đến trước. Sau 3 tiếng chờ đợi, anh nhận được câu trả lời "chưa có sổ đỏ" và ngày hẹn được lùi lại thêm 2 tuần nữa. 15 ngày sau, theo giấy hẹn, anh Dũng quay lại, tiếp tục lấy số và thêm gần 3 tiếng chờ đợi, nhân viên ở văn phòng trả lời là hồ sơ của anh có vấn đề, chỗ này chưa khớp, chỗ kia vướng mắc… Kết quả là anh lại được cầm giấy hẹn ghi… ngày hẹn tiếp theo.

Quay đi, quay lại theo đúng giấy hẹn, sau hơn 3 tháng nữa, câu trả lời anh Dũng nhận được vẫn là "trường hợp của anh chưa xong". Thấy đi đường chính không xong, cực chẳng đã anh Dũng đã phải nhờ tới mối quan hệ thân thiết để xem hồ sơ "vấp" chỗ nào còn có hướng giải quyết. Sau những "nỗ lực" của cá nhân và các mối quan hệ, thêm 2 tuần nữa, anh Dũng mới nhận được cái "sổ đỏ" mà lẽ ra anh có thể cầm nó trên tay 4 tháng trước đây.

Có dấu hiệu "bất thường"?
Cách đây chừng 1 tháng, UBND phường Bồ Đề, quận Long Biên ra một thông báo theo kiểu "du kích", dán lên bảng tin liên gia 7, phố Phú Viên với dòng chữ cỡ 14 in trên khổ giấy A4. Đương nhiên với kiểu thông báo du kích như thế sẽ chẳng mấy ai chú ý. Theo thông báo, UBND phường Bồ Đề sẽ cấp sổ đỏ thí điểm cho gần chục hộ dân đang sinh sống tại khu vực liên gia 7.

Cách làm thông báo kiểu này đã khiến người dân rất bức xúc, nhưng khi đọc nội dung và danh sách những hộ dân được cấp thí điểm sổ đỏ, người dân càng bức xúc hơn. Trong danh sách gần chục hộ được cấp sổ đỏ, nhiều hộ đã sinh sống tại khu vực từ rất lâu lại không có tên, nhưng có trường hợp mới chỉ mua nhà tại đây ít năm lại nằm trong danh sách cấp sổ đỏ.

Hầu hết cư dân sinh sống ở đây đều là cán bộ ngành muối, thủy sản, cầu đường (người dân quen gọi là tập thể muối, tập thể thủy sản và tập thể cầu đường để phân biệt), và nhiều hộ gia đình sinh sống ở khu vực trên đã hơn 30 năm. Điển hình là trường hợp nhà bà Liên ở ngõ 33 phố Phú Viên, sống ở đây từ những ngày mới thành lập khu tập thể, trong lần thí điểm cấp sổ đỏ này vẫn không được UBND phường đưa vào danh sách.

Chưa hết, việc trao sổ đỏ của UBND phường Bồ Đề còn thiếu minh bạch ở chỗ, nhiều cán bộ tổ dân phố khu vực trên hoàn toàn bất ngờ về thông báo của phường. Bà Nguyễn Thị Thanh, Tổ phó tổ dân phố liên gia 7 nói: "Bản thân tôi tham gia công tác phường, hội đầy đủ từ lúc nghỉ hưu đến giờ cũng bất ngờ trước thông tin trên. Tôi và nhiều cán bộ tổ dân phố cũng chỉ biết được vụ việc khi có nhiều bà con gọi điện đến hỏi. Tất cả thắc mắc này cũng đã được tôi chuyển lên UBND phường".

Mỗi hồ sơ, một… giá
Khi chúng tôi tìm hiểu, một số hộ dân đã nhận được sổ đỏ khẳng định là muốn làm nhanh, gọn đều phải có chi phí. Mức chi phí này tùy thuộc vào nhiều yếu tố như độ khó của hồ sơ, thời gian muốn lấy sổ đỏ… Trường hợp của bà Cao Thị Lạng và anh Dũng chỉ là hai trong số rất nhiều người đã và đang phải chịu chi phí khi đi làm sổ đỏ. Không phải ngẫu nhiên mà dịch vụ tư vấn, làm sổ đỏ mọc ra khá rầm rộ thời gian gần đây.

Trong vai người đi làm sổ đỏ gặp vướng mắc, chúng tôi tìm đến một văn phòng luật chuyên làm dịch vụ công chứng, sổ đỏ, các loại giấy tờ, dịch thuật… trên đường Trần Đăng Ninh, quận Cầu Giấy. Người tiếp chúng tôi nói: Đối với sổ đỏ cho hộ gia đình thông thường, giá làm dịch vụ này từ 5 triệu đồng đến vài chục triệu đồng tùy vào độ khó của từng bộ hồ sơ, diện tích nhà và thời gian cần lấy sổ đỏ… Khi chúng tôi hỏi: "Một căn nhà có đầy đủ giấy tờ rộng 35m2 ở khu vực chùa Nền, quận Đống Đa thì giá sẽ là bao nhiêu?", nhân viên phòng giao dịch trả lời: "Tôi không thể trả lời chính xác được nếu tôi chưa xem hồ sơ cụ thể". "Nếu anh chị muốn làm thì cứ mang hồ sơ ra đây, bản photo cũng được, tôi sẽ ra giá" - người này nói chắc nịch khi tiễn chúng tôi ra về và không quên đưa số điện thoại để liên lạc.

Tính sơ sơ nếu mỗi hộ gia đình mất khoảng 10 triệu đồng cho một sổ đỏ thì cả xã hội sẽ tốn một lượng tiền không nhỏ. Lượng tiền đó vào túi ai? Đó là chưa kể đến công sức và thời gian. Nếu câu chuyện chỉ dừng lại ở chỗ "chịu chi" thì nhiều người dân đã không bức xúc đến thế. Điều khiến xã hội bức xúc hơn cả chính là thái độ ban phát, sự nhũng nhiễu, nhiêu khê và thiếu tinh thần trách nhiệm của một số cán bộ ở cơ sở.

(Còn tiếp)

Đức Trường