Bán đảo Triều Tiên: Thế giằng co khó gỡ
Thế giới - Ngày đăng : 06:45, 19/04/2011
Giữa lúc cuộc tập trận "Đại bàng non" khai màn từ ngày 28-2 vừa qua, với sự tham gia của 12.300 lính Mỹ và 200.000 binh sỹ Hàn Quốc chưa kết thúc, thông tin cuộc tập trận chung chống xâm lược ngay trên hòn đảo Baengnyeong giáp với Triều Tiên vào tháng 5 tới của liên quân Mỹ - Hàn lại đẩy bán đảo Triều Tiên đứng trước nguy cơ căng thẳng mới.
Chi tiết về cuộc tập trận chung mới nhất được cho là lần đầu tiên của liên minh Mỹ - Hàn trên đảo Baengnyeong không được giới chức quân sự hai nước tiết lộ, ngoài việc trực thăng tấn công Apache của Mỹ có thể tham gia. Thông tin này được đưa ra sau khi giới chức quốc phòng Hàn Quốc cho biết, quân đội nước này sẽ tiến hành một cuộc tập trận quy mô khác cũng trong tháng 5 tới ở Pohang với sự tham gia của khoảng 3.000 lính thủy đánh bộ và một con số chưa xác định của lục quân cùng tàu chiến và máy bay chiến đấu.
Ngoài kịch bản quen thuộc là đáp lại hiệu quả trước mọi cuộc tấn công từ đối phương, điểm nhấn trong cuộc diễn tập chung Mỹ - Hàn trên đảo Baengnyeong tới đây được Hàn Quốc và Mỹ thực hiện còn nhằm đáp lại sự kiện Triều Tiên đang xây dựng một căn cứ quân sự tại đảo Goampo (thuộc lãnh thổ Triều Tiên), gần đảo Baengnyeong của Hàn Quốc. Với Seoul, căn cứ này sẽ là một thách thức lớn về an ninh. Có sức chứa khoảng 70 phi cơ, Goampo của Triều Tiên cách đảo Baengnyeong của Hàn Quốc 50km về phía bắc và chỉ mất 30-40 phút là máy bay vận tải quân sự của Triều Tiên chở theo binh lính có thể đổ bộ xuống đảo này.
Kế hoạch tập trận chung mới nhất của Mỹ và Hàn Quốc được đưa ra đúng thời điểm Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton công du châu Á, trong đó Hàn Quốc là một trong hai điểm đến quan trọng để thảo luận những bước tiếp theo trong chính sách của Mỹ với vấn đề hạt nhân của Triều Tiên. Sự trở lại Seoul lần đầu tiên trong 9 tháng qua của Ngoại trưởng Hillary Clinton hai ngày cuối tuần qua được kỳ vọng sẽ tạo động lực khôi phục tiến trình đàm phán sáu bên khi nỗ lực ngoại giao của các bên liên quan không ngừng được tăng cường. Đặc biệt trong bối cảnh cựu Tổng thống Mỹ Jimmy Carter dự kiến cũng sẽ có chuyến thăm Bình Nhưỡng 3 ngày bắt đầu từ ngày 26-4 tới. Tuy nhiên, Ngoại trưởng H.Clinton đã kết thúc chuyến thăm mà không tạo được bất cứ sự đột phá quan trọng nào.
Quan hệ liên Triều rơi vào băng giá sau vụ chìm tàu chiến Cheonan (26-3-2010) mà Hàn Quốc cáo buộc Triều Tiên phóng ngư lôi đánh đắm; trong khi đó, Triều Tiên luôn bác bỏ mọi cáo buộc liên quan. Sau sự cố này, Triều Tiên đã không ít lần đề nghị Hàn Quốc đối thoại nhằm loại bỏ sự hiểu lầm. Trong đó đáng chú ý là tuyên bố ngày 15-3 vừa qua của Triều Tiên khi bày tỏ sẵn sàng trở lại bàn đàm phán sáu bên "vô điều kiện" - một đề xuất được đánh giá là sự nhượng bộ ngoại giao hiếm thấy của Bình Nhưỡng. Đáp lại, ngày 12-4 vừa qua, Hàn Quốc đã lần đầu tiên tuyên bố chấp nhận nối lại tiến trình đàm phán nhưng vẫn giữ quan điểm về một cuộc gặp liên Triều trước khi đàm phán sáu bên được nối lại; đồng thời bảo lưu quan điểm Triều Tiên phải nhận trách nhiệm và xin lỗi về các hành động gây hấn hồi năm ngoái gồm: vụ đánh chìm tàu chiến Cheonan và pháo kích hòn đảo Yeon-Pyeong của Hàn Quốc trên biển Hoàng Hải.
Một loạt tín hiệu lạc quan diễn ra hồi đầu năm từng làm dấy lên hy vọng về một bước tiến bộ mới trên bán đảo Triều Tiên trong tương lai gần. Song những diễn biến mới đây dường như đã làm đảo ngược niềm lạc quan đó. Thế giằng co khó gỡ trong quan hệ liên Triều xem ra vẫn chưa thể hóa giải bởi sự khác biệt giữa hai bên còn quá lớn. Do đó, tiến trình đàm phán sáu bên về vấn đề hòa bình trên bán đảo này đang có nguy cơ tiếp tục bị đẩy vào vô vọng.