Bệnh viện giữa trùng khơi
Xã hội - Ngày đăng : 06:44, 19/04/2011
Ca sinh mổ đầu tiên ở Trường Sa
Các bác sĩ Bệnh xá Trường Sa đang thực hiện ca phẫu thuật cho sản phụ Nguyễn Thị Thanh Thúy. Ảnh: TTXVN
Gặp Thạc sĩ, bác sĩ Hồ Xuân Lãng (Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa) ở Bệnh xá đảo Trường Sa, chúng tôi được nghe kể về chuyến công tác hy hữu của anh. Cùng trong khoảng tháng 4-2011, chị Nguyễn Thị Thanh Thúy (39 tuổi) và 2 phụ nữ khác (ở đảo Trường Sa Lớn, huyện đảo Trường Sa) đã mang thai đến kỳ sinh nở. Qua siêu âm, thăm khám, Bệnh xá trưởng, bác sĩ Nguyễn Hà Ngọc xác định đây là ca khó, không thể sinh thường. Anh đã báo cáo về đất liền với lãnh đạo Bệnh viện Quân y 175. Bệnh viện 175 đã quyết định dùng phương pháp mổ đẻ, bảo đảm an toàn cho mẹ và con. Sau quyết định đó, Thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa Hồ Xuân Lãng được cử cấp tốc ra chi viện cho y tế đảo, bảo đảm sức khỏe cho 3 sản phụ. 6h30 ngày 4-4, sản phụ Thúy bắt đầu tự chuyển dạ. Đến 8h, mọi việc chuẩn bị đã sẵn sàng, ca mổ được lập tức tiến hành lúc 10h37 với sự hỗ trợ của Bệnh viện 175 qua cầu truyền hình. Chỉ vài phút sau, bé gái nặng 3,2kg đã chào đời, cất tiếng khóc đánh dấu sự kiện công dân đầu tiên ra đời bằng kỹ thuật sinh mổ ở đảo Trường Sa, (trường hợp thứ hai sinh tại quần đảo Trường Sa).
Bé gái được cha mẹ đặt một cái tên đầy ý nghĩa: Nguyễn Ngọc Trường Xuân. Anh Nguyễn Tấn Thi (43 tuổi, bố cháu) không giấu được xúc động, giải thích với chúng tôi, trong tên của cháu có tên của bác sĩ Nguyễn Hà Ngọc từng thăm khám, chăm sóc từ khi cháu còn trong bụng mẹ và tên đệm của bác sĩ chính Hồ Xuân Lãng trong cuộc phẫu thuật hỗ trợ cháu ra đời bình an. Và trong đó còn ghi dấu cả tên đảo Trường Sa, cả ước vọng bé được mạnh khỏe, Trường Sa mãi trường tồn.
Bảo đảm sức khỏe cho quân và dân
Ngay phòng bên cạnh, bệnh nhân Trần Văn Lên (19 tuổi, ngư dân xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) bị tai nạn do vỡ ống thở khi đang lặn khai thác thủy sản trên vùng biển quần đảo Trường Sa, đang nằm thiêm thiếp. Tai nạn làm bệnh nhân bị co giật, liệt hai chân, bí đại, tiểu tiện, tình trạng sức khỏe rất nguy kịch. Bác sĩ Nguyễn Hà Ngọc cùng các nhân viên bệnh xá đã khẩn trương cấp cứu, dùng thuốc điều trị triệu chứng, kết hợp cho thở ôxy liều cao và thuốc phòng các tai biến, đồng thời điện thoại xin ý kiến chỉ đạo của Bệnh viện 175. Qua 3 ngày điều trị tích cực, chiều 11-4, bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch, hết co giật, đau đầu, hết bí đại, tiểu tiện, hai chân đã bắt đầu hồi phục cử động.
Ở phòng bệnh số 1, chúng tôi gặp ông Lê Mến (56 tuổi, quê ở Lý Hải, Lý Sơn, Quảng Ngãi) đang chống nạng tập tễnh đi lại. Bị thương vỡ hở độ 1 xương bánh chè trái, thuyền QNg 96156 vội đưa ông cập đảo Trường Sa Lớn để cấp cứu. Được kịp thời phẫu thuật, ông đã hồi phục rất nhanh. Ông Mến bộc bạch: "Các chú bộ đội đã chăm sóc tôi chẳng kể ngày đêm, chỉ vài ngày nữa là tôi được ra viện. Nếu không được cứu chữa kịp thời ở đảo, chờ về đất liền sẽ rất nguy hiểm, có thể bị viêm xương, hoại tử dẫn tới tàn phế".
Dẫn chúng tôi đi thăm bệnh nhân, bác sĩ Nguyễn Hà Ngọc tâm sự: Có 2 bác sĩ, 4 y sĩ, bệnh xá vừa chăm sóc, khám, điều trị, phòng dịch, bảo đảm sức khỏe cho quân, dân trên đảo, cho các đoàn khách thăm và làm việc tại đảo, vừa thường xuyên làm công tác cấp cứu cho ngư dân. Tuy công việc nhiều, nhưng trong mọi điều kiện, bất kể ngày đêm, mưa nắng, các anh đều có mặt kịp thời cứu chữa bệnh nhân, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Một ngày bận rộn đã qua với những người lính mặc áo blu. Chia tay các anh, chúng tôi vô cùng cảm phục. Làm tốt công tác điều trị bệnh, thường xuyên bảo đảm quân số khỏe hơn 99%, không để dịch bệnh xảy ra, họ đã góp phần không nhỏ cùng quân và dân vùng biển đảo Trường Sa giữ yên biển trời của Tổ quốc.