Doanh nghiệp bình chân, công nhân chật vật
Xã hội - Ngày đăng : 06:41, 19/04/2011
Chật vật thu nhập thấp
Giá cả tăng cao khiến đời sống công nhân càng thêm khó khăn.
Hầu hết công nhân ở các KCN, KCX là từ những tỉnh lẻ, địa phương khác tụ họp về, đời sống của họ vốn dĩ đã khó khăn, chật vật với nỗi lo về nơi ăn, chốn ở, việc làm. Càng lo hơn trong "guồng quay" của cơm, áo, gạo, tiền, CNLĐ còn phải "đối diện" với những "cơn bão giá", bởi thu nhập không đủ chi phí sinh hoạt tối thiểu.
Anh Lê Anh Thắng, quê ở Nam Định, làm việc tại Công ty Cáp và thiết bị điện (KCN Quang Minh, Mê Linh, Hà Nội) chia sẻ, sau gần 3 năm làm việc, thu nhập mới chỉ tăng được từ 1,6 triệu lên 1,9 triệu đồng/tháng. Thời gian cận Tết Nguyên đán vừa qua, do ảnh hưởng của "bão giá", giá phòng trọ đã "nhích" thêm 50.000 đồng (350 nghìn đồng/tháng), chi tiêu tiết kiệm anh vẫn dành dụm được vài trăm gửi về quê. Song "cơn bão giá" mới từ đầu tháng 3 đến nay, phòng thuê trọ tăng vọt lên thành 500 nghìn đồng/tháng, khiến anh phải tiếp tục cắt giảm chi tiêu đến mức tối đa.
Không riêng anh Thắng, hiện nay CNLĐ ở các KCN, KCX đều sử dụng "chiêu" cắt giảm chi tiêu và rủ nhau làm tăng ca, tăng giờ hoặc thực hiện cơ chế "3 chung" để chống chọi lại "bão giá". Đó là cách họ rủ thêm đồng nghiệp về ở, để san sẻ chi phí. Khi ở chung, họ ăn chung, sử dụng chung đồ dùng cá nhân, phương tiện đi lại, góp phần tiết kiệm chi phí. Hạch toán chi tiêu theo kiểu đó, chị Lê Thu Trang, làm việc tại Công ty Toto (KCN Bắc Thăng Long) cho biết, trung bình mỗi tháng, trừ tiền thuê nhà và điện nước mỗi tháng chị và 2 bạn cùng phòng chỉ ăn, tiêu hết trên dưới 1 triệu đồng.
Trên thực tế, dù bằng cách này hay cách khác, mỗi công nhân đã và đang nỗ lực tìm cách ứng phó để lo cho bản thân và dành dụm chút ít phụ giúp gia đình. Nhưng sự cố gắng ấy chỉ có thể áp dụng trong ngắn hạn, còn về lâu dài, họ vẫn trông chờ doanh nghiệp (DN) và tổ chức CĐ có biện pháp thiết thực, giúp vượt qua khó khăn, thiếu thốn.
Trách nhiệm của người trong cuộc
Báo cáo công tác CĐ quý I-2011 của Tổng LĐLĐ Việt Nam, các cấp CĐ đã triển khai nhiều hoạt động bảo vệ quyền lợi chính đáng của CNLĐ. Trước tình trạng giá cả tăng cao ảnh hưởng tới đời sống của công nhân, LĐLĐ các tỉnh, thành, CĐ ngành TƯ, CĐ tổng công ty trực thuộc thường xuyên giám sát việc thực hiện Nghị định 107, 108 của Chính phủ quy định về mức lương tối thiểu vùng đối với CNLĐ và Nghị định 91/CP về chính sách LĐ dôi dư. Đồng thời, tích cực thực hiện chức năng của mình trên mọi phương diện, để bảo vệ quyền lợi người LĐ. Điển hình như LĐLĐ Hà Nội cùng chính quyền và cơ quan chức năng kiểm tra thực hiện pháp luật LĐ ở nhiều doanh nghiệp, góp phần bảo đảm chế độ, chính sách cho hơn 7.000 LĐ. Bà Nguyễn Thị Thanh Hà, Phó Chủ tịch LĐLĐ Hà Nội còn cho biết, LĐLĐ TP đang ráo riết chỉ đạo các CĐ cấp trên cơ sở và cơ sở bám sát tình hình đời sống CNLĐ, tích cực tham gia với DN chăm lo CNLĐ hoàn cảnh khó khăn, chăm lo nhu cầu thiết yếu của người LĐ.
LĐLĐ các tỉnh, TP Lạng Sơn, Hải Phòng, Bình Dương cũng triển khai nhiều chương trình hành động như tham gia với Hội đồng Giám định y khoa tỉnh xét giám định để giải quyết chế độ cho công nhân; trợ giúp pháp lý CNLĐ về hợp đồng LĐ; trực tiếp tham gia giải quyết đơn thư khiếu nại về trợ cấp thôi việc, tiền lương các tranh chấp hoặc khiếu kiện của CNLĐ... Tại TP Hồ Chí Minh, Ban Quản lý KCN, KCX TP triển khai chiến dịch vận động chủ nhà trọ không tăng giá nhà cho thuê, với tỷ lệ chủ nhà trọ ký cam kết thực hiện đạt 50-70%. CĐ còn phối hợp với chính quyền lập danh sách những công nhân ở trọ được mua điện với giá hỗ trợ, để giúp họ được hưởng chính sách này và tham gia với chủ sử dụng LĐ mua suất ăn với mức giá cao hơn, bảo đảm chất lượng bữa ăn cho công nhân.
Thực tế cho thấy, về lâu dài, tổ chức CĐ có giải pháp "buộc" trách nhiệm DN với đời sống công nhân, để họ có trách nhiệm hỗ trợ công nhân vượt khó. Bởi thực tế, hiện nay tình trạng DN "lách" luật, vi phạm Luật LĐ, Luật BHXH, Luật CĐ để "né" trách nhiệm đối với CNLĐ diễn ra khá phổ biến. Đó là, chưa kể thực trạng CNLĐ ở các DN tư nhân không được trả lương theo quy định của Nhà nước, không xây dựng thang, bảng lương, không đóng BHXH, không xây dựng thỏa ước LĐ tập thể, vi phạm việc ký kết hợp đồng LĐ. Trong khi đó, nhiều công nhân vì không có trình độ chuyên môn, cần việc làm nên vẫn phải chấp nhận làm việc trong điều kiện hạn chế như vậy.