Bao giờ có chuẩn?
Đời sống - Ngày đăng : 06:25, 19/04/2011
Tiếp nhận hồ sơ và giải quyết thủ tục hành chính cho người dân tại bộ phận “một cửa liên thông” Sở KHĐT - Cục Thuế - CATP. Ảnh: Linh Tâm
Thực hiện Quyết định số 93/2007/QĐ-TTg, các địa phương đã quan tâm, bố trí phòng làm việc của bộ phận tiếp nhận và trả kết quả theo cơ chế "một cửa", "một cửa liên thông", bố trí cán bộ, đầu tư cơ sở vật chất… Đến nay, hầu hết các cơ quan hành chính nhà nước (HCNN) ở địa phương đã triển khai cơ chế "một cửa", "một cửa liên thông", với tỷ lệ 96,7% ở cấp xã; 98,5% ở cấp huyện và 88,3% ở cấp tỉnh. Cơ chế này được các địa phương áp dụng với các lĩnh vực công việc và thủ tục hành chính (TTHC) liên quan trực tiếp tới tổ chức, cá nhân như: đất đai, đăng ký kinh doanh, hộ tịch, xây dựng, thuế, hải quan, lao động-thương binh và xã hội…
Bộ phận tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả ở cấp xã thực hiện hơn 100 TTHC tập trung từ 5 đến 9 lĩnh vực, cấp huyện thực hiện 112 TTHC trên 7 lĩnh vực, cấp tỉnh và các sở tập trung thực hiện cơ chế một cửa trong lĩnh vực đất đai, môi trường, đăng ký kinh doanh. Tất cả các tỉnh, TP đã thực hiện cơ chế "một cửa liên thông" từ một lĩnh vực tới nhiều lĩnh vực (đất đai, xây dựng, LĐ-TB&XH). Các ngành dọc như bảo hiểm xã hội, thuế, kho bạc, công an cũng triển khai khá tốt.
Ông Phạm Minh Hùng, Phó Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính (Bộ Nội vụ) đánh giá, cơ chế "một cửa", "một cửa liên thông" đã góp phần nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp của cơ quan hành chính; giảm phiền hà, chi phí cho công dân và tổ chức khi đến giao dịch hành chính; tỷ lệ công việc giải quyết đúng hạn cao hơn: cấp tỉnh đạt 98%, cấp huyện và xã đạt 96%. Đặc biệt, cơ chế "một cửa liên thông" được thực hiện tại các cơ quan HCNN ở địa phương đã góp phần chống quan liêu, hách dịch, cửa quyền, chống tham nhũng trong đội ngũ cán bộ, công chức; đồng thời, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Việc giải quyết TTHC nhanh chóng, thuận tiện đã làm cho các nhà đầu tư hài lòng, yên tâm phát triển sản xuất kinh doanh.
Nhờ cải cách TTHC gắn với thực hiện cơ chế "một cửa", "một cửa liên thông", Việt Nam được đánh giá như một điểm sáng về nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh, là một trong 10 quốc gia có tốc độ cải cách nhanh nhất thế giới.
Cần duy trì "một cửa", "một cửa liên thông"
Góp ý vào công tác thực hiện cơ chế "một cửa", "một cửa liên thông" tại các cơ quan HCNN ở địa phương, nhiều ý kiến cho rằng, cần giải quyết ngay việc tổ chức chưa thống nhất bộ phận "một cửa" hiện nay. Nguyên nhân là do thời gian qua đã có những văn bản của Chính phủ và các bộ, ngành có nội dung "vênh" nhau trong việc thực hiện cơ chế "một cửa" cấp huyện. Vì thế, đã có một số huyện chuyển công việc đất đai, đăng ký kinh doanh về Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất và Phòng Tài chính - Kế hoạch, dẫn tới có 2 mô hình tổ chức "một cửa" ở cấp huyện: Nhận hồ sơ tại phòng chuyên môn và nhận tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả thuộc Văn phòng HĐND và UBND.
Theo ông Đinh Duy Hòa, Vụ trưởng Vụ CCHC (Bộ Nội vụ), bộ phận "một cửa" duy nhất vốn đã luôn "kêu" thiếu người, thiếu diện tích và thiếu kinh phí thì nếu để thực hiện "một cửa" ở 12 phòng chuyên môn thì sẽ cồng kềnh và không có khả năng phát huy tối đa việc đưa công nghệ thông tin vào hoạt động so với mô hình một cửa tập trung. Đồng tình với quan điểm này, ông Nguyễn Văn Lâm, Phó Cục trưởng Cục Kiểm soát TTHC (Văn phòng Chính phủ) khẳng định, cơ chế "một cửa", "một cửa liên thông" sẽ không bị đảo ngược vì sau 4 năm thực hiện Quyết định 93/2007/QĐ-TTg đã có kết quả lớn trong xã hội, để lại dấu ấn. Cụ thể là đã thay đổi phương thức làm việc, thái độ làm việc của cơ quan HCNN, bộ máy HCNN từ trung ương đến địa phương đã thay đổi từ tư duy quản lý sang tư duy phục vụ, không còn sự tự ti của công dân trước cơ quan công quyền. Theo khảo sát của Bộ Nội vụ, phần lớn các tỉnh, TP đề nghị Chính phủ tiếp tục cho duy trì mô hình "một cửa" tập trung như hiện nay (44 tỉnh đề nghị duy trì như hiện nay, 5 tỉnh đề nghị theo mô hình "một cửa" tại phòng chuyên môn và 14 tỉnh không có ý kiến gì).
Tuy nhiên, trước chất lượng thực hiện cơ chế "một cửa", "một cửa liên thông" ở một số địa phương còn thấp, mang tính hình thức và gây khó khăn cho người dân, các chuyên gia tâm huyết với công tác CCHC cho rằng, cần có một hành lang pháp lý chặt chẽ, đầy đủ hơn để thực hiện cơ chế này. Theo đó, Bộ Nội vụ sẽ đề nghị Chính phủ ban hành Nghị định về thực hiện cơ chế "một cửa", "một cửa liên thông" tại các cơ quan HCNN ở địa phương, thay thế cho Quyết định 93/2007/QĐ-TTg. Bộ Nội vụ cũng sẽ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành TƯ và các địa phương nghiên cứu, xây dựng mô hình chuẩn của bộ phận tiếp nhận và trả kết quả các cấp để hướng dẫn các địa phương thực hiện thống nhất; đồng thời, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng phần mềm dùng chung cho các cơ quan hành chính các cấp để tạo tiền đề cho việc xử lý các công việc mang tính liên thông giữa các cơ quan HCNN.