Iran cáo buộc Siemens "dính" tới vụ tấn công bằng virus Stuxnet

Xe++ - Ngày đăng : 16:24, 18/04/2011

(HNMO) - Một chỉ huy quân đội Iran đã cáo buộc công ty kỹ thuật Đức Siemens trong việc giúp Hoa Kỳ và Israel khởi động một cuộc tấn công mạng nhằm vào cơ sở hạt nhân của nước này, tờ nhật báo Kayhan ra ngày 17/4 đưa tin.


Ông Gholamreza Jalali, người đứng đầu lực lượng phòng thủ dân sự của Iran cho biết, virus Stuxnet nhằm chương trình nguyên tử của Iran là "tác phẩm" của hai kẻ thù lớn nhất và rằng, công ty của Đức hẳn phải nhận một phần trách nhiệm.

Siemens đã từ chối bình luận.

Ông Jalali nói rằng Iran nên để Siemens chịu trách nhiệm về thực tế là các hệ thống điều khiển của hãng được sử dụng để vận hành bộ máy phức tạp của nhà máy - được gọi là hệ thống giám sát kiểm soát và thu nhận dữ liệu (SCADA) - đã bị tấn công bởi loại virus trên.


Quang cảnh bên trong nhà máy điện hạt nhân Bushehr


"Công ty Siemens phải chịu trách nhiệm và giải thích tại sao và làm thế nào mà họ lại cung cấp cho các kẻ thù thông tin về các mã của phần mềm SCADA và mở đường cho một cuộc tấn công mạng chống lại chúng tôi", ông nói.

Một số chuyên gia nước ngoài đã mô tả Stuxnet như là một "tên lửa mạng dẫn đường" nhắm vào chương trình nguyên tử của Iran.

Không giống như các quan chức khác của Iran đã giảm nhẹ tác động của Stuxnet, ông Jalali nói rằng, Iran có thể đã phải đối mặt với một nguy cơ lớn nếu nước này không phát hiện và xử lý được vụ việc trước khi có bất kỳ thiệt hại lớn nào xảy ra.

Iran đã đưa ra vài chi tiết về tác động của virus trên. Tháng 9 năm ngoái, nước này cho biết, các máy tính của các nhân viên tại nhà máy điện hạt nhân Bushehr do Nga xây dựng đã bị tấn công nhưng nhà máy đã không bị ảnh hưởng.

Bushehr - nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Iran - hiện vẫn chưa hoạt động khiến xuất hiện suy đoán rằng nó cũng đã bị ảnh hưởng bởi Stuxnet, điều mà Iran phủ nhận.

Hồi tháng 1, đại sứ Nga tại NATO cho biết, virus này đã tấn công hệ thống máy tính tại Bushehr, đặt ra những nguy cơ của một thảm họa hạt nhân có quy mô như sự cố Chernobyl năm 1986 tại Ukraine, khi đó là một phần của Liên Xô.

Một số nhà phân tích quốc phòng cho rằng, mục tiêu chính nhiều khả năng là sự làm giàu uranium của Iran - quá trình tạo ra nhiên liệu cho các nhà máy điện hạt nhân hoặc cung cấp nguyên liệu cho bom nếu được sản xuất nhiều hơn. Các cường quốc phương Tây cáo buộc Iran, một nước sản xuất dầu mỏ lớn, tìm cách phát triển vũ khí hạt nhân, điều mà Tehran phủ nhận.

Viện Khoa học và An ninh quốc tế (ISIS) có trụ sở tại Mỹ cho biết, cuối năm 2009 hoặc đầu năm 2010, khoảng 1.000 máy li tâm - máy được sử dụng để lọc uranium - trong tổng số 9.000 máy được sử dụng tại nhà máy làm giàu uranium Natanz của Iran đã "dính" virus - nhưng không đủ để gây tổn hại nghiêm trọng tới hoạt động của nhà máy.

H.V