Chủ động ứng phó với thời tiết bất thường
Xã hội - Ngày đăng : 07:12, 18/04/2011
Lồ lộ hạn chế
Cải tạo, tu sửa đê sông Hồng khu vực thị xã Sơn Tây. Ảnh: Bá Hoạt
Ông Bùi Minh Tăng, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng, thủy văn trung ương cho biết, năm nay sẽ có khoảng 12-13 cơn bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên biển Đông, trong đó 5-6 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến Việt Nam, đòi hỏi chúng ta phải có những biện pháp phòng, chống, ứng phó kịp thời. Tuy nhiên, qua các đợt bão, lũ xảy ra trong năm 2010, có thể thấy công tác phòng, chống bão, lũ còn bộc lộ nhiều vấn đề đáng để suy nghĩ. Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, Trưởng ban Chỉ đạo Phòng, chống lụt bão trung ương Cao Đức Phát cho rằng, cơ sở hạ tầng công cộng còn nhiều hạn chế, độ an toàn của các công trình chưa cao. Trong bão, lũ, tính mạng của người dân chưa được bảo đảm an toàn. Nổi cộm là việc khai báo ngư dân đánh bắt hải sản, quản lý tàu thuyền ra vào, bố trí sắp xếp nơi neo đậu tránh, trú bão thực hiện thiếu nghiêm túc; phương châm "bốn tại chỗ" chưa được các địa phương triển khai triệt để, nhiều nơi còn nặng tính hình thức; trang thiết bị tìm kiếm cứu nạn vừa thiếu, vừa yếu. Công tác tuyên truyền nâng cao kiến thức phòng, chống thiên tai cho nhân dân chưa thường xuyên; nạn chặt phá rừng làm nương rẫy ở miền núi cộng với việc xây dựng các công trình, đường sá trên khu vực rừng đầu nguồn gây ra lũ, sạt lở đất, ngập úng ngày càng nhiều... Công tác dự báo khí tượng thủy văn nhiều lúc chưa chính xác, mức độ tin cậy chưa cao.
Chủ động phòng tránh, ứng phó kịp thời
Để chủ động phòng, chống thiên tai, hạn chế thấp nhất thiệt hại xảy ra, nhất là thiệt hại do những cơn bão mạnh, lũ lớn, lũ quét, sạt lở đất, Trưởng ban Chỉ đạo Phòng, chống lụt bão trung ương yêu cầu các bộ, ngành và địa phương cần củng cố, kiện toàn bộ máy, tổ chức của các Ban Chỉ huy phòng, chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn, triển khai chương trình hành động theo Chiến lược quốc gia phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai đến năm 2020; tăng cường kiểm tra, đôn đốc công tác chuẩn bị phòng, chống thiên tai, nhất là phương châm "bốn tại chỗ" từ các hộ gia đình đến cấp thôn, bản, xã, phường. Trước mắt, thực hiện ngay việc kiểm tra, rà soát công trình đê điều, hồ đập, đường giao thông vượt lũ, khu neo đậu tàu thuyền, hệ thống điện, thông tin liên lạc, bố trí dân cư, nhất là khu vực thường xuyên bị ngập lũ. Đẩy nhanh việc thực hiện các chương trình lớn cấp quốc gia đã được Chính phủ phê duyệt như chương trình nâng cấp đê biển, đê sông, nâng cấp hồ chứa, quy hoạch, khoanh vùng phòng tránh lũ quét, sạt lở đất… Rà soát, bổ sung các phương tiện cứu hộ, cứu nạn để nâng cao năng lực cứu hộ, cứu nạn từ trung ương đến địa phương, đáp ứng nhu cầu ứng cứu khi có tình huống xấu xảy ra.
Liên quan đến công tác dự báo bão, lũ, động đất, sóng thần, Trưởng ban Chỉ đạo Phòng, chống lụt bão trung ương yêu cầu, cơ quan Dự báo Khí tượng thủy văn trung ương nâng cao hơn nữa chất lượng và rút ngắn thời gian dự báo bão, áp thấp nhiệt đới; đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất kỹ thuật và đào tạo nguồn nhân lực cho các đơn vị làm công tác cảnh báo, dự báo thiên tai theo hướng hiện đại và đồng bộ. Tổ chức kiểm tra, đánh giá chất lượng, tiêu chuẩn thiết kế chống động đất các công trình xây dựng cũng như xây dựng hệ thống cảnh báo sóng thần tại các địa phương ven biển... Phó tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Phó Chủ tịch Ủy ban quốc gia Tìm kiếm cứu nạn, Phó ban Chỉ đạo Phòng, chống lụt bão trung ương Trần Quang Khuê cho rằng, thiên tai bao giờ cũng đến bất ngờ, do đó phải chủ động để đối phó với yếu tố bất thường. Quan trọng nhất là phải đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cộng đồng liên quan đến lĩnh vực khí tượng thủy văn như tổ chức các lớp tập huấn, diễn tập, phát tờ rơi, giới thiệu, phổ biến kiến thức về thiên tai như áp thấp nhiệt đới, bão, lũ... để người dân biết cách phòng, tránh.
Các chuyên gia khí tượng thủy văn trung ương cho biết, do ảnh hưởng của hiện tượng La Nina nên tình hình thời tiết, thủy văn trên phạm vi cả nước năm nay khá phức tạp, mùa mưa sẽ đến sớm hơn so với mọi năm. Tại Bắc bộ, Nam bộ và Tây Nguyên mùa mưa bắt đầu từ nửa cuối tháng 4, đầu tháng 5 (sớm hơn khoảng gần 1 tháng); ở Trung bộ vào cuối tháng 6, đầu tháng 7 sẽ có bão. Đỉnh lũ cao nhất năm nay trên các hệ thống sông tại Bắc bộ phổ biến cao hơn đỉnh lũ năm ngoái, sẽ xuất hiện vào cuối tháng 7 và tháng 8, trên các sông ở Thanh Hóa, Bình Thuận vào tháng 8 và 9, trên các sông từ Nghệ An đến Quảng Bình và Tây Nguyên vào tháng 9 và 10, các sông từ Quảng Trị đến Ninh Thuận vào tháng 10 và 11 và trên các sông Tiền, sông Hậu vào nửa đầu tháng 10. |