Đưa việc dạy thêm học thêm vào quy củ
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:36, 18/04/2011
Việc quản lý, sắp xếp lại việc DTHT là vấn đề không đơn giản bởi rất khó phân biệt được đâu là nhu cầu DTHT thật sự, đâu là chạy theo phong trào hoặc một cách "cải thiện đời sống" của nhiều nhà trường và nhà giáo. Học thêm là cách củng cố và mở rộng kiến thức học sinh đã học trên lớp, một hình thức quản lý, giáo dục học sinh ngoài giờ học. Việc DTHT được xã hội và nhà trường cùng phối hợp thực hiện theo nguyên tắc tự nguyện, tùy học sinh, tùy gia cảnh, tùy thầy, cô giáo. Dạy và học tập trung ở nhà trường thì ít, trừ trường hợp học trong mấy tháng hè, do các thầy cô giáo dạy miễn phí là chủ yếu; học theo nhóm và học ở nhà thì nhiều. Từ xa xưa, trong xã hội đã xuất hiện nghề gia sư, trước khi có trường học và cả sau khi có trường học. Nhiều gia sư là những nhà giáo có đạo đức và chuyên môn giỏi, được xã hội kính trọng, học sinh yêu kính trọn đời.
Chuyện DTHT, biến tướng của xu hướng thị trường hóa nhà trường, mới xuất hiện một vài chục năm gần đây.
Nó ngày càng bành trướng, nấp dưới nhiều hình thức tinh vi nhưng thực chất đã làm lãng phí nhiều nghìn tỷ đồng, hàng triệu ngày công lao động và góp phần làm phức tạp thêm những mặt yếu kém của hệ thống giáo dục. Khi học thêm đã trở thành một phong trào, một tập quán xã hội thì dạy thêm cũng trở thành một thứ hàng hóa dịch vụ. Đã là hàng hóa thì có người bán, người mua và mỗi bên đều tìm cách để mình có lợi nhất. Bên bán, nhà trường và người dạy học, biết cách nâng cao giá trị hàng hóa của mình bằng cách bớt kiến thức chính khóa để dạy cho những người học thêm; ra bài kiểm tra, bài thi nhằm vào các kiến thức học thêm; thậm chí trù úm, không thiện cảm với những học sinh không học thêm và ngầm vận động bằng nhiều cách để cha mẹ học sinh "tự nguyện" cho con học thêm. Không chỉ dạy thêm ở nhà trường, tiền thu được đưa vào quỹ đời sống chung, nhiều thầy, cô giáo còn tổ chức dạy thêm ở các nhóm tự tổ chức ở nhà mình, nhà học sinh để kiếm tiền, thậm chí có người xin nghỉ mất sức, nghỉ hưu để dạy ngoài. Có người chỉ cải thiện thu nhập hằng ngày, có người có tiền mua đất, mua nhà, sắm ô tô từ dạy thêm. Người có con học thêm thì mang nặng tâm lý sẽ bị thua thiệt, không giống ai nếu con không học thêm. Nhiều người còn "tranh thủ" cớ có con học thêm để làm thân, đút lót cho thầy, cô giáo. DTHT từ chỗ trong sạch, lành mạnh thành mảnh đất màu mỡ cho tệ tham nhũng, hối lộ trong ngành giáo dục phát triển.
Hậu quả không chỉ có vậy. Với học sinh, DTHT tràn lan khiến các em không còn thời gian nghỉ ngơi, vui chơi. Thể lực giảm sút. Trí óc quá tải. Tuổi thơ bị đánh cắp sinh ra ích kỷ, stress. Học hành trở thành một nghĩa vụ vô cùng nặng nhọc, nghĩ đến đã sợ. Mục tiêu "ngày khai trường là một ngày hội lớn" của ngành giáo dục trở nên xa vời.
Chủ trương của TP Hà Nội là một chủ trương đúng, hợp lòng dân nhưng mới dừng ở việc sắp xếp lại, quản lý một bước việc DTHT trong nhà trường và một phần ở bên ngoài. Đưa việc DTHT vào đúng bản chất và quỹ đạo của nó là một cuộc đấu tranh lâu dài, cần sự ủng hộ của toàn xã hội, đây mới chỉ là những bước đi ban đầu.