Mùa “bão” mới
Luận đàm thời sự - Ngày đăng : 06:30, 18/04/2011
Ngoài giá lương thực ở ngưỡng nguy hiểm, tỷ lệ thất nghiệp ở mức cao, nợ công lớn và giá nhiên liệu tăng nhanh... thảm họa thiên tai tại Nhật Bản và những cơn chính biến đang bùng phát ở Trung Đông và Bắc Phi được các nhà kinh tế tham dự Hội nghị mùa Xuân của Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) vừa kết thúc vào cuối tuần qua tại Washington (Mỹ) nhìn nhận là chướng ngại mới trên đường hồi phục của cỗ xe kinh tế thế giới.
Đã hơn một lần Chủ tịch WB Robert Zoellick cảnh báo hiểm họa của cơn bão giá lương thực chưa có dấu hiệu suy yếu trước sự ổn định mới ở mức tương đối của nền kinh tế toàn cầu. Thông điệp về giá nông phẩm đã đạt đến điểm báo động khi tăng đến 36% so với năm ngoái và sát các chỉ số của cuộc khủng hoảng lương thực năm 2008 mà ông chủ WB cảnh báo trong mùa xuân này cho thấy bóng ma của nạn đói đã xuất hiện ngay trong giai đoạn thịnh vượng nhất của loài người. Một cú phanh gấp trong đà vượt dốc của giá cả không chỉ có ý nghĩa với 44 triệu người bị đẩy vào mức nghèo khổ trên thế giới chỉ từ tháng 6-2010, mà còn có thể cứu 10 triệu người nữa đang mấp mé bên bờ vực đói nghèo nếu giá lương thực tăng thêm 10%. Chiếc đồng hồ ngay trước trụ sở WB ở Washington D.C. (Mỹ), cứ mỗi phút lại cộng thêm 68 người vào con số gốc khoảng hơn 1,2 tỷ người đang đói ăn khắp hành tinh, là lời nhắc nhở khẩn thiết rằng: mầm họa lớn nhất với tương lai nhân loại cần phải được loại bỏ bằng sự chung tay của tất cả các quốc gia.
Cho dù vẫn giữ nguyên dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2011 ở mức 4,4% như báo cáo 3 tháng trước, nhưng Giám đốc IMF Dominique Stauss-Kahn đã nhấn mạnh đến nạn thất nghiệp như một thử thách lớn với cả các quốc gia đang phát triển lẫn những nước phát triển. Khoảng 30 triệu người đã bị tước quyền lao động do cơn biến động tài chính vừa qua trong khi 200 triệu người trên toàn cầu đang tìm việc. Một cuộc khủng hoảng việc làm đã đến rất gần khi tăng trưởng kinh tế của nhiều nước không đủ mạnh để tạo công ăn việc làm cho dân chúng. Nguy hiểm hơn, nạn thất nghiệp tác động chủ yếu đến thanh niên. Nó một mặt đe dọa đến cả một thế hệ, mặt khác sẽ nới rộng khoảng cách giàu nghèo và tình trạng bất bình đẳng trong thụ hưởng thành quả phát triển. Thêm vào đó, nội tại không ít nền kinh tế đang chứa đựng "hạt giống" bất ổn có thể hủy hoại cả cánh đồng tăng trưởng kinh tế - xã hội của chính các quốc gia đó. Những rối ren chưa từng thấy tại Bắc Phi và Trung Đông đang diễn ra ngoài sự tác động từ bên ngoài đã cho thấy sự cần thiết phải ổn định chính trị để tạo nền tảng vững chắc cho phát triển kinh tế.
Cũng vì cuộc đổi gió khác thường đang diễn ra trong thế giới Arab mà tất cả các lục địa trên thế giới buộc phải chứng kiến cơn sốt nóng của giá dầu, loại nhiên liệu quyết định vận mệnh của hầu hết các nền kinh tế. Cơn sốt chưa có dấu hiệu hạ nhiệt của dầu lửa là cú tiếp sức trái mong đợi với trận chiến chống lạm phát đã lan rộng đến các hang cùng ngõ hẻm của thế giới. Giá dầu chưa thể hạ nhiệt khi biến động ở Bắc Phi và Trung Đông chưa thể dự đoán được hồi kết sẽ gây tác động lâu dài và khác nhau ở mỗi quốc gia trên hành tinh. Cuộc bất ổn của giá dầu cuốn theo lạm phát sẽ là một cơn sốc nặng cho tình trạng phát triển nóng từng được cảnh báo là một ẩn họa tiềm tàng cho sự bền vững của nền kinh tế toàn cầu cả trước mắt và lâu dài.
Ngược lại với mối nguy tăng trưởng nóng, cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu sẽ tiếp tục níu đà phát triển đã thêm nhiều vệt xám cho bức tranh kinh tế hiện nay tại Lục địa già. Cùng với Hy Lạp và Ireland đang phải trải qua cơn thắt lưng buộc bụng hà khắc, Bồ Đào Nha vừa vỡ nợ là một thất bại nữa trong nỗ lực hồi phục của một trung tâm kinh tế quan trọng trên thế giới... Vấn đề nợ công còn có thể tăng đột biến khi nền kinh tế khổng lồ Nhật Bản cần vốn để tái thiết sau thảm họa. Điều này không thể không khiến các nền kinh tế trong khu vực và thế giới phải cảnh giác.
Như vậy, dù có lạc quan đến mấy cũng không thể phủ nhận, kinh tế thế giới đang trải qua một giai đoạn khó khăn với vô số áp lực còn chưa rõ bóng hình. Hàng loạt bài toán cần có đáp số đang thử thách hầu hết các chính phủ trên thế giới trước một mùa bão mới khi con tàu kinh tế thế giới chỉ mới vừa phục hồi sau khủng hoảng.