Cuộc chiến chống “giặc béo” ở Mỹ

Xã hội - Ngày đăng : 07:21, 17/04/2011

(HNM) - Bất chấp lời kêu gọi của chính quyền và các tổ chức bảo vệ sức khỏe, người Mỹ vẫn tiếp tục ngốn nhiều thịt và chất béo. Theo số liệu mới được công bố, tình trạng béo phì tại nước này vẫn đang tiếp tục tăng cao và trở thành mối đe dọa lớn tới sức khỏe người dân xứ Cờ hoa.

Đồ ăn nhanh và lười vận động là “kẻ thù” của giới trẻ Mỹ.

Trust for America's Health, một tổ chức phi lợi nhuận, vừa công bố phúc trình thường niên lần thứ 7 về bệnh béo phì tại Mỹ. Theo đó, tỷ lệ người béo phì tăng tại 38 bang. Năm 1980, có 15% người Mỹ ở tuổi trưởng thành được xếp vào loại quá cân; bây giờ con số này tăng gấp đôi. Ông Jeff Levi, một trong các tác giả phúc trình cho biết: "Trong năm 1991, không có một bang nào có tỷ lệ người lớn béo phì quá 20%. Bây giờ, có 38 bang có tỷ lệ trên 25%".

Có nhiều lý do dẫn tới tình trạng béo phì ở nước Mỹ. Thứ nhất, người Mỹ không còn năng động như trước. Kế tiếp, xã hội Mỹ như thể vận động quanh chiếc xe hơi, khiến người ta lười vận động. Các cuộc nghiên cứu khác còn cho thấy ngồi trước máy tính hoặc TV nhiều quá cũng dẫn đến béo phì. Các nghiên cứu này còn đổ lỗi cho các món ăn nhanh có nhiều calo. Nhưng theo ông Levi , béo phì liên quan đến những yếu tố khác quan trọng hơn: "Béo phì có liên hệ nhiều đến sự nghèo túng. Các món ăn ít nguy hại cho sức khỏe như rau cải, trái cây tươi, thịt nạc và cá thường đắt tiền. Điều đó có nghĩa là người ít tiền khó tiếp cận các món ăn có lợi. Thêm vào đó, người nghèo thường sống trong những khu kém an ninh và không có nhiều chỗ trống để vận động cơ thể".

Rõ ràng là không thể coi thường bệnh béo phì vì "giặc béo" sẽ làm chi phí chăm sóc sức khỏe tăng thêm. Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh Mỹ (CDC) báo cáo mỗi năm bệnh béo phì làm tốn ít nhất 147 tỷ USD để chữa trị và đó là dữ liệu của năm 2006. Năm nay, con số này chắc hẳn đã cao hơn nhiều. Cuộc chiến chống béo phì đã ở mức báo động. Năm 2010, chính phủ của Tổng thống Barack Obama có chương trình chi hơn 400 triệu USD để cung ứng các thực phẩm lành mạnh cho những khu nghèo khổ khắp đất nước. Đệ nhất phu nhân Michelle Obama đã nhiều lần lên tiếng trên truyền hình, bà còn lập chương trình "Let's Move" kêu gọi mọi người thường xuyên tập thể dục. Tháng 12-2010, Tổng thống B.Obama đã ký một dự luật cải tổ sâu rộng các tiêu chuẩn dinh dưỡng cho trẻ em, ban hành một đạo luật khuyến khích thói quen ăn uống tốt hơn, thiết lập các tiêu chuẩn về thực phẩm được bán tại các máy bán hàng tự động và trong các trường học. Bắt đầu từ tháng 4 này, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) đề nghị ra luật buộc nhà hàng, các quán bán thức ăn nhanh, thậm chí là các máy bán thức ăn tự động tại Mỹ phải ghi rõ thông số về calo trên thực đơn, nhãn thực phẩm.

Giờ đây người Mỹ phải hành động mạnh mẽ hơn để chống lại xu hướng béo phì, điều có thể là một nguyên nhân gây giảm tuổi thọ trung bình trong tương lai và để lại nhiều hệ lụy.

Kim Phượng