Hệ lụy không đáng có
Đời sống - Ngày đăng : 06:40, 17/04/2011
Chúng tôi không hề có ý định can thiệp vào công việc của các nhà báo, chỉ mong họ tỉnh táo để tránh những hệ lụy không mong muốn làm tổn thương con trẻ - những học sinh, sinh viên trong các nhà trường.
Mới đây, thông tin "một bài văn lạ làm xôn xao đất Cảng" đã khiến một nữ sinh sắp tốt nghiệp trung học phải để lại lá thư tuyệt mệnh, suýt mất mạng (?) Hình ảnh đánh ghen được tung lên mạng được gán ngay cho nữ sinh trường A, trường B khi chưa có ý kiến của các cơ quan điều tra. Một cách dùng từ "ngây thơ" lầm lẫn của con trẻ lớp 1 cũng được đẩy thành vấn đề tâm lý xã hội "học sinh lớp 1 viết đơn ly dị". Những năm trước, một cháu mẫu giáo ở tỉnh nọ biết đọc báo, biết làm tính với nhiều con số đã được phong "thần đồng" khiến mọi người ùn ùn kéo đến. Cha mẹ phải tìm cách "cấm cửa" để cháu bé được bình an!
Nêu vài sự việc lớn, nhỏ muốn để chứng minh một điều rằng, cái sự "nóng" giật gân không được kiểm soát có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng thế nào. Vì thế với những sự kiện, nhân vật nhạy cảm, dễ tổn thương như học sinh trong các nhà trường thì xin các tác giả hết sức thận trọng để định hướng sớm dư luận. Không thể "thả rông" sự kiện để mặc dư luận xã hội hình thành! Nếu "bài văn lạ" của nữ sinh lớp 12 đất Cảng được giới thiệu như một mầm mống "tài năng sáng tác văn học" ở một chuyên mục khác, không phải chuyên mục "nhà trường", chuyên mục "giáo dục" thì chắc dư luận xã hội không khó nhọc đi tìm "cái thực" trong cái "hư cấu" của hình tượng, của xúc cảm văn học. Trong nhiều trường hợp, thông tin "trần trụi" dẫn đến hệ lụy không đáng có, như cô nữ sinh thơ ngây kia đã bị tổn thương nặng nề. Liệu mầm mống tài năng sáng tác văn học có còn hay bị thui chột?...