“Phương trình” khó giải
Luận đàm thời sự - Ngày đăng : 06:34, 17/04/2011
Việc các phi đội tiêm kích Mỹ trở lại bầu trời Libya đã cho thấy thế tiến thoái lưỡng nan ở một chiến trường khi đến thì khó, nhưng chẳng dễ rút lui mà xứ Cờ hoa từng vấp. Với cam kết sẽ hỗ trợ sứ mệnh của NATO cho tới khi nhiệm vụ này hoàn tất, Mỹ chưa thể sớm rút chân khỏi một trận chiến hiếm hoi mà ở đó Washington từ chối ngôi vị chỉ huy cao nhất.
Sự hiện diện của các máy bay chiến đấu Mỹ trên bầu trời quốc gia bên bờ Địa Trung Hải cho thấy "quả bóng" trách nhiệm vẫn đang được đẩy qua đẩy lại giữa Mỹ và đồng minh NATO. Sau gần một tháng trút lửa xuống quốc gia Bắc Phi, cán cân sức mạnh ở vùng đất đầy nắng và cát này vẫn chưa có sự thay đổi đáng kể. Hỏa lực liên quân không đủ sức tạo ra thế áp đặt trên chiến trường khi lực lượng chống đối chỉ là một tập hợp lỏng lẻo trước đội quân có kỷ luật của nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi. Những tiến triển chậm chạp ngoài dự liệu của Mỹ và NATO tại Libya đang ngày càng củng cố nhận định rằng: cuộc chiến Libya sẽ không sớm đi đến hồi kết. Từ những "hào hứng" ban đầu, khối thống nhất tưởng chừng khó có thể lay chuyển nổi của NATO đã bộc lộ những vết rạn. Trong lúc 10 máy bay tiêm kích được cho là còn thiếu và chưa biết đến bao giờ mới được gửi tới chiến trường, thì thông tin liên quân không đủ bom oanh tạc độ chính xác cao cùng nhiều loại đạn khác vừa được xác nhận cho thấy Libya đã thành nơi thử sức của các nền kinh tế đang trong cơn khốn khó. Điều này khiến sứ mạng mà cỗ máy quân sự lớn nhất thế giới đảm trách bị đặt trước nhiều dấu hỏi. Tuy nhiên, có một điều chắc chắn là khả năng hạn chế mà NATO đã lộ ra trong một chiến dịch quân sự xem ra "ngon ăn" như Libya - xét về tương quan lực lượng khiến Mỹ không thể đứng ngoài cuộc như đã định.
Ngay cả khi Washington đã trở lại, sự lạnh nhạt của nhiều quốc gia châu Âu với cuộc can thiệp Libya cũng đang làm Anh, Pháp - hai động cơ chính trong guồng máy chiến sự như đang đứng trên đống lửa. Không chỉ Đức thờ ơ với hành động quân sự của Paris và London ở Libya mà Tây Ban Nha cũng khẳng định không có kế hoạch tham gia cuộc chiến này. Italia lại đòi có thêm lý do thuyết phục thì Roma mới tăng thêm trách nhiệm, trong khi đó, Đan Mạch đã thẳng thừng từ chối cung cấp vũ khí cho phe đối lập Libya… Bất đồng nội bộ của các quốc gia thành viên trong NATO khiến sự can dự của khối này tại Libya có cơ rơi vào bế tắc. Trong bối cảnh hiện nay, gánh nặng Libya không được các "đồng đội" thật sự mạnh ở châu Âu chia sẻ, Paris xem ra đang bước vào một phương trình khó giải...
Trong khi nhiều nước châu Âu từ chối, Qatar lại bất ngờ thể hiện vai trò đã mang đến tình tiết khác lạ cho kịch bản Libya. Là quốc gia Arab đầu tiên và duy nhất tham gia liên quân tấn công Tripoli, Doha đã không ngần ngại hợp tác với phe đối lập để khai thác và xuất khẩu dầu thô ngay trong chiến sự. Không ngoài mục đích khẳng định vai trò quan trọng trong thế giới Hồi giáo, đất nước với diện tích vỏn vẹn 11 nghìn kilômét vuông đã có một bước đi chưa từng thấy trong cục diện cuộc chiến đang ngày càng phức tạp. Nhưng, phương Tây lại rất cần bước đi này dù là lẻ loi trước nhiều phản đối từ thế giới và không gian Trung Đông - Bắc Phi đang rơi vào thời điểm nhạy cảm. Những gì mà Qatar đang theo đuổi dù sao đi nữa cũng đủ giúp bức tranh Libya do NATO và Mỹ bố cục có thêm gam màu Arab và đây chính là điều khiến ván cờ Libya thêm rối.
Sau thất bại của kế hoạch hòa bình của Liên minh châu Phi, sự mâu thuẫn giữa NATO và thậm chí giữa liên quân với quân nổi dậy sau các vụ bắn nhầm cho thấy chiến sự ở đất nước Bắc Phi đã bước vào giai đoạn "nhạy cảm". Cùng với đó, tin tức về thương vong của thường dân vẫn ngày ngày xuất hiện cho thấy việc bảo vệ dân thường Libya như Mỹ và NATO tuyên bố ban đầu càng dần xa sự thật.
Lời kêu gọi các bên ngừng bắn từ Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon vừa tung ra sau khi ủng hộ một vùng cấm bay càng cho thấy mối lo ngại sâu sắc của cộng đồng quốc tế về một cuộc chiến dai dẳng tại Libya là có cơ sở.