Cần thực hiện “4 có, 4 biết”
Đời sống - Ngày đăng : 06:55, 16/04/2011
Năm 2010, cả nước đã tổ chức dạy nghề cho 21.178 lao động nông thôn theo hình thức làng nghề, vùng chuyên canh và theo đặt hàng của các doanh nghiệp. Bên cạnh đó là việc thí điểm cấp thẻ học nghề nông thôn, thí điểm mô hình khuyến nông đào tạo nghề lao động nông thôn và thí điểm hỗ trợ lao động nông thôn học nghề. Qua các hình thức đào tạo này, nhiều mô hình đào tạo nghề đã được áp dụng như: dạy nghề tại các vùng chuyên canh cây trồng, dạy nghề chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản; dạy nghề tại các làng nghề truyền thống; dạy nghề làm sản phẩm thủ công gắn với vùng nguyên liệu và bao tiêu sản phẩm…
Qua 1 năm thực hiện, đề án đã bước đầu xác định được quy trình tổ chức đào tạo nghề cho lao động nông thôn có hiệu quả. Đã làm rõ trách nhiệm và mối quan hệ giữa các cơ quan có liên quan từ việc điều tra, khảo sát nhu cầu học nghề, xác định nghề cần đào tạo đến việc tổ chức dạy nghề gắn với việc làm, sử dụng lao động hoặc bao tiêu sản phẩm... Ban Chỉ đạo nhận định, năm 2011 là năm đầu tiên thực hiện các mục tiêu trong kế hoạch 5 năm (2011-2015), phấn đấu hỗ trợ dạy nghề và đặt hàng dạy nghề cho khoảng 500.000 lao động nông thôn theo chính sách của đề án. Đặc biệt, phải có ít nhất 70% số lao động này có việc làm sau khi đào tạo. Tại hội nghị, nhiều địa phương kiến nghị Chính phủ và Ban Chỉ đạo đề án cần sửa đổi, bổ sung một số chính sách hỗ trợ cho lao động nông thôn như chính sách đối với hộ cận nghèo, tăng mức phí hỗ trợ cho lao động, cho phép đầu tư xây dựng trung tâm dạy nghề kiểu mẫu...
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân lưu ý trong cơ cấu đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn cần có nội dung về hạch toán kinh tế để người lao động có thể tính toán, tự làm chủ kinh tế gia đình. Phó Thủ tướng đánh giá cao mô hình đào tạo gắn với nhu cầu của doanh nghiệp tại Lào Cai, mô hình trồng nấm tại Nam Định. Phó Thủ tướng cho rằng, hiện nay đề án đã được triển khai tại 63 tỉnh, thành phố với 78% có ban chỉ đạo tại cấp huyện và gần 60% có ban chỉ đạo cấp xã, tạo ra một hệ thống xuyên suốt từ trung ương đến cơ sở. Vấn đề trọng tâm của thời gian tới là phải thực hiện được "4 có, 4 biết". Nghĩa là các tỉnh phải có quy hoạch cụ thể về đào tạo nghề; phải có ban chỉ đạo các cấp; có danh sách những lao động có nhu cầu học nghề và có cơ sở dạy nghề được thẩm định bảo đảm chất lượng. Thực hiện 4 biết, các cơ quan chức năng phải biết được các mô hình hay, điển hình; người lao động phải biết được các chính sách liên quan; biết được các cơ sở dạy nghề cũng như phải biết được khả năng tìm việc của nghề theo học. Phó Thủ tướng cũng chỉ đạo cần phải có đầu mối thông tin, tăng cường cung cấp thông tin kịp thời cho báo chí để tuyên truyền, thực hiện thành công đề án.