Mở cửa cho giám định tư ?

Đời sống - Ngày đăng : 06:36, 16/04/2011

(HNM) - Nhân sự thiếu, thù lao thấp, vụ việc phải giải quyết phức tạp, khiến nghề giám định tư pháp (GĐTP) không được đón nhận. Trong khi đó, một trong những nguyên nhân khiến nhiều vụ án bị


Bức tranh nhiều mảng tối


Cơ quan điều tra tiến hành giám định tư pháp một vụ án.


Theo Bộ Tư pháp, hiện tại, không chỉ giám định viên chuyên nghiệp mà các chuyên gia được mời làm giám định viên theo từng sự vụ cũng ít "mặn mà" với công việc GĐTP. Tất cả vì chính sách, chế độ cho đội ngũ giám định viên chưa thỏa đáng với công sức mà họ bỏ ra. Minh chứng cụ thể cho điều này là Viện Pháp y quốc gia, tổ chức tuyển dụng 25 người, người đến lại đi, một thời gian dài, vẫn thiếu. Tình trạng thiếu giám định viên phổ biến ở hầu hết các địa phương, nhất là giám định viên chuyên trách ở lĩnh vực pháp y, pháp y tâm thần và kỹ thuật hình sự. Vì vậy, khi tòa án cần đến lực lượng trên, trưng cầu đã không dễ, đến lúc tổ chức giám định nhận lời làm cũng chưa thể mừng bởi không ít đơn vị cứ "om" kết quả, khiến đương sự và các cơ quan tố tụng "dài cổ ngóng chờ".

Nguyên nhân do Pháp lệnh GĐTP chưa có quy định bắt buộc các cơ quan này phải hợp tác nhanh với tòa và cũng chưa có chế tài xử lý nếu họ ra kết quả sai, chậm gửi thông tin xác minh hay thiếu trách nhiệm trong giám định. Theo Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Đức Chính, để tạo môi trường cạnh tranh trong hoạt động này, cần xã hội hóa GĐTP. Điều này có nghĩa, trong tương lai, cá nhân, tổ chức nếu đủ điều kiện sẽ được thành lập văn phòng GĐTP ngoài công lập ở một số lĩnh vực chuyên môn. Nếu một giám định viên đứng ra làm thì được tổ chức theo loại hình doanh nghiệp tư nhân, từ hai thành viên trở lên thì theo loại hình công ty hợp danh.

Mặc dù vậy, trong Bộ Tư pháp cũng còn có ý kiến khác nhau khi bàn về việc cho phép các tổ chức GĐTP ngoài công lập hoạt động song song với các tổ chức GĐTP truyền thống. Hầu hết thành viên thuộc Ban soạn thảo Luật GĐTP cho rằng, nếu để các tổ chức GĐTP hoạt động như doanh nghiệp thì e rằng các cơ sở này đặt tiêu chí lợi nhuận lên hàng đầu, khó có thể đạt được mục đích chung. Hơn nữa, không phải cứ thành lập ra là có thể tồn tại. Hiện nay có đến 70-80% các yêu cầu GĐTP được trưng cầu "nội bộ" nghĩa là chủ yếu các cơ quan điều tra trưng cầu các cơ quan GĐTP thuộc ngành công an. Với đầu việc không nhiều, có tổ chức chỉ thực hiện được 5-10 vụ/năm. Vì vậy, dù có "mở cửa đón chào" nhưng chưa chắc chủ trương xã hội hóa sẽ hiệu quả.

Cần mở cửa với người có tiền, tay nghề, đạo đức

Nhìn ngược lại, nhiều chuyên gia nhận xét, nếu luật cho phép bị can, bị cáo, nguyên đơn, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan và luật sư đều có quyền trực tiếp trưng cầu giám định thì nhu cầu của hoạt động này rất lớn. Trong khi đó, số lượng các tổ chức giám định của Nhà nước thì có hạn, nhiều cán bộ còn làm kiêm nhiệm nên không thể đáp ứng hết.

Theo thống kê, cả nước hiện có 3.115 giám định viên, đã lập Viện Pháp y quốc gia, Viện Giám định pháp y tâm thần, 38 trung tâm pháp y, 15 phòng giám định pháp y cấp tỉnh; đã thực hiện gần 440.000 vụ trưng cầu giám định, trong đó giám định kỹ thuật hình sự gần 370.000 vụ, giám định pháp y hơn 50.000 vụ… Mặc dù chia bình quân số vụ việc đều cho các tỉnh thì có thể thấy lượng khách hàng không lớn, nhưng trên thực tế, nhu cầu mỗi nơi rất khác nhau. TP Hồ Chí Minh đang rơi vào cảnh quá tải. Trung bình mỗi giám định viên tư pháp phải thụ lý, giải quyết khoảng 120 vụ/năm. Ở lĩnh vực xây dựng, TP chỉ có ba giám định viên; lĩnh vực văn hóa mới có 13 giám định viên trong khi nhu cầu giám định cao gấp nhiều lần… Ngược lại ở vùng sâu, vùng xa, lượng khách hàng rất ít.

Đại tá Phạm Ngọc Hiền (Phân Viện trưởng Phân viện Khoa học hình sự Bộ Công an tại TP Hồ Chí Minh) cho rằng công, tư không quan trọng mà chủ yếu là chất lượng công việc. Theo Đại tá Hiền, chúng ta không nên phân biệt tổ chức giám định tư hay công mà hãy xem cùng một nội dung yêu cầu nơi nào làm nhanh hơn, chính xác hơn. Càng có nhiều cơ quan giám định càng tốt vì sẽ tạo ra đối trọng, mục đích cuối cùng là tìm ra chân lý sự việc.

Xác định được vấn đề này cũng sẽ góp phần giải quyết thấu đáo những việc liên quan trong hoạt động GĐTP như vị trí, chế độ, chính sách cho giám định viên… Bởi giám định tư đang như mảnh đất hoang, khi được cạnh tranh sẽ hút người tài đến, chất lượng phục vụ sẽ được nâng lên. Nơi nào làm tốt, nơi đó sẽ có đông đảo "thượng đế" tìm đến, đồng nghĩa với thu nhập ngày càng cao, việc xét xử các vụ án cần kết quả giám định cũng nhanh hơn. Vì mục tiêu trên, ngoài việc mạnh dạn xã hội hóa hoạt động GĐTP song song với đề ra phương án quản lý mô hình này, nên chăng Nhà nước hỗ trợ các cá nhân muốn tham gia bằng cách miễn, giảm thuế, hay tạo điều kiện cho họ thuê nhà, đất làm trụ sở.

Hà Phong