Doanh số giao dịch liên ngân hàng bằng VND giảm, USD tăng
Kinh tế - Ngày đăng : 16:59, 15/04/2011
Theo Ngân hàng Nhà nước, trong tuần từ ngày 2/4 đến ngày 8/4 tổng doanh số giao dịch trên thị trường liên ngân hàng đạt xấp xỉ 112.527 tỷ VND và 3.298 triệu USD, bình quân đạt khoảng 22.505 tỷ VND và 659,6 triệu USD/ngày. Như vậy, so với tuần trước đó, doanh số giao dịch bằng VND giảm khá mạnh nhưng bằng USD lại tăng mạnh. Ở tuần đó, doanh số giao dịch trên thị trường này đạt 157.727 tỷ VND và 5.714 triệu USD, bình quân đạt khoảng 31.545 tỷ VND và 1.142 triệu USD/ngày.
Các giao dịch bằng VND trong tuần qua tập trung chủ yếu vào các kỳ hạn ngắn (qua đêm, 1 tuần và 2 tuần), với tổng doanh số 3 kỳ hạn này đạt 87.227 tỷ VND, tương đương 78% tổng doanh số. Các giao dịch bằng USD chủ yếu phát sinh ở kỳ hạn qua đêm, đạt 2.049 triệu USD, tương đương 62% tổng doanh số. Kỳ hạn dài 6 tháng phát sinh rất ít, không phát sinh kỳ hạn 12 tháng.
Ảnh minh họa |
Về lãi suất, lãi suất giao dịch bình quân trên thị trường liên ngân hàng bằng VND giảm ở các kỳ hạn qua đêm, 1 tuần và 6 tháng, với các mức giảm từ 0,01% đến 0,21%. Các kỳ hạn còn lại lãi suất bình quân có xu hướng tăng, với các mức tăng từ 0,07% đến 0,47%. Lãi suất bình quân qua đêm dù đã giảm 0,21% nhưng vẫn ở mức khá cao là 13,03%/năm. Lãi suất bình quân các kỳ hạn còn lại từ 12,95% đến 13,50%/năm (không tính lãi suất không kỳ hạn).
Đối với các giao dịch bằng USD, ngoại trừ lãi suất bình quân qua đêm giảm, lãi suất giao dịch bình quân trên thị trường liên ngân hàng bằng USD ở các kỳ hạn còn lại đều tăng so với mặt bằng lãi suất bình quân tuần trước đó. Lãi suất bình quân qua đêm ở mức 0,54%/năm, giảm 0,02%/năm; lãi suất bình quân các kỳ hạn còn lại dao động từ 1,01% đến 2,41%/năm.
Lãi suất cho vay USD cao nhất là 8,5%/năm
Cũng trong tuần qua, lãi suất huy động VND có kỳ hạn phổ biến ở mức 13,5-14%/năm. Lãi suất cho vay nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu 14,5%/năm; đối với các lĩnh vực sản xuất kinh doanh khác từ 16-18%/năm; đối với lĩnh vực phi sản xuất từ 18-22%/năm. Các mức trên không thay đổi so với tuần trước đó.
Tuy nhiên, về lãi suất huy động USD, một số ngân hàng thương mại như Ngân hàng Sài Gòn Thương tín, Ngân hàng Quân Đội điều chỉnh giảm lãi suất khoảng 0,3-0,8%/năm ở các kỳ hạn. Lãi suất tiết kiệm USD phổ biến ở mức: Không kỳ hạn từ 0,2-0,5%/năm, dưới 12 tháng: 4,2-5,5%/năm, trên 12 tháng: 4,5-5,6%/năm. Từ ngày 13/4 vừa qua, lãi suất huy động đã đồng loạt được kéo xuống mức cao nhất là 3%/năm theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.
Lãi suất cho vay bằng USD phổ biến ở mức 6-7,5%/năm đối với ngắn hạn, 7-8,5%/năm đối với trung và dài hạn, không thay đổi so với tuần trước đó. Mặc dù vậy, trong tuần này, lãi suất cho vay bằng USD có thể tăng bởi các ngân hàng phải bù đắp chi phí sau khi Ngân hàng Nhà nước tăng 2% tỷ lệ dự trữ bắt buộc bằng ngoại tệ và lãi suất huy động USD bị khống chế ở mức thấp sẽ khiến việc huy động ngoại tệ khó hơn.