Có ảnh hưởng tới quỹ bảo hiểm xã hội?
Kinh tế - Ngày đăng : 07:46, 15/04/2011
Điều đáng nói là trong tổng số tiền thua lỗ trên, Công ty CTTC được sự bảo lãnh của Ngân hàng NN&PTNT Việt Nam đã vay của Quỹ BHXH hơn 1.000 tỷ đồng. Liên quan đến sự việc trên, BHXH Việt Nam cho biết, số tiền trên vẫn được bảo đảm do đơn vị bảo lãnh để Công ty CTTC vay số tiền trên sẽ phải chịu trách nhiệm đến cùng.
Công ty Cho thuê tài chính II của Ngân hàng NN&PTNT ở TP.HCM - Ảnh: T.T.D.
Làm việc với phóng viên Báo Hànộimới chiều 14-4, ông Nguyễn Đình Khương, Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam cho biết, tính từ năm 2003 đến nay, Công ty CTTC đã vay từ Quỹ BHXH với số tiền 1.010 tỷ đồng, hợp lệ theo điều lệ đầu tư phát triển quỹ BHXH. Việc cho vay đã được BHXH Việt Nam và Ngân hàng NN&PTNT Việt Nam thống nhất trong bản Thỏa thuận về vay vốn bảo lãnh số 01 ngày 25 -12-2003.
Theo bản Thỏa thuận số 01, BHXH Việt Nam trực tiếp cho Ngân hàng NN&PTNT Việt Nam vay theo sự thỏa thuận giữa hai bên; cho vay đối với các chi nhánh cấp I, các công ty trực thuộc Ngân hàng NN&PTNT Việt Nam. Với các khoản vay từ ngày 1-1-2004, Tổng Giám đốc Ngân hàng NN&PTNT Việt Nam bảo lãnh cho các chi nhánh cấp I, các công ty trực thuộc Ngân hàng NN&PTNT Việt Nam. Với sự bảo lãnh này và được thể hiện trong bản thỏa thuận, Ngân hàng NN&PTNT Việt Nam chịu trách nhiệm toàn bộ việc vay, sử dụng và hoàn trả vốn, lãi đúng kỳ hạn của tất cả các hợp đồng do Ngân hàng NN&PTNT Việt Nam trực tiếp vay hoặc các chi nhánh cấp I, các công ty trực thuộc Ngân hàng NN&PTNT Việt Nam ký kết với BHXH Việt Nam do Tổng Giám đốc Ngân hàng NN&PTNT Việt Nam ký bảo lãnh.
Thực tế, nếu không có việc Công ty CTTC thuộc Ngân hàng NN&PTNT Việt Nam thua lỗ hơn 3.000 tỷ đồng theo kết luận của Thanh tra Chính phủ thì mọi chuyện có lẽ vẫn êm xuôi với sự bảo lãnh của Ngân hàng NN&PTNT Việt Nam đối với khoản vay hơn 1.000 tỷ đồng từ Quỹ BHXH. Ông Nguyễn Đình Khương cho biết thêm, trên thực tế cũng có một số rắc rối liên quan đến các hợp đồng bảo lãnh vốn vay trên từ phía ngân hàng. Cụ thể, tính đến tháng 4-2008, Ngân hàng NN&PTNT Việt Nam đã có 2 bản bảo lãnh cho Công ty CTTC vay với số tiền 1.300 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến tháng 10-2008, Ngân hàng NN&PTNT Việt Nam lại có bản bảo lãnh thứ 3 cho Công ty CTTC với số tiền 400 tỷ đồng. Điều đáng nói là trong bản bảo lãnh thứ 3, Ngân hàng NN&PTNT Việt Nam đã tự hủy hai bản bảo lãnh đã ký trước đó. Trong khi đó, số tiền vay của Công ty CTTC tính đến thời điểm đó đã là 480 tỷ đồng.
Liên quan đến việc trả nợ cho Quỹ BHXH, ông Khương cũng cho biết, sau khi chuyện vỡ lở, BHXH Việt Nam cũng đã có nhiều buổi làm việc với Ngân hàng NN&PTNT nhằm thu hồi số tiền hơn 1.000 tỷ mà Công ty CTTC đã vay. Tại các buổi làm việc này, phía ngân hàng đã thống nhất tinh thần theo bản thỏa thuận bảo lãnh các khoản vay trên, nghĩa là sẽ chịu trách nhiệm đến cùng. Trên thực tế đến thời điểm này, ngân hàng cũng đã trả cho Quỹ BHXH 200 tỷ đồng và hứa sẽ tiếp tục trả 200 tỷ đồng chậm nhất vào tháng 5.
Nhận định về khoản vay trên, đại diện của BHXH Việt Nam cho biết, tổng số kết dư của quỹ BHXH đến nay là 140.000 tỷ đồng. Số tiền cho Công ty CTTC vay là số tiền lớn, đã được Ngân hàng NN&PTNT Việt Nam bảo lãnh do đó Ngân hàng NN&PTNT Việt Nam sẽ chịu trách nhiệm đến cùng, do đó không thể ảnh hưởng lớn đến quỹ BHXH.