Nỗi lo khủng hoảng nhân tài
Thể thao - Ngày đăng : 07:45, 15/04/2011
Phương Thúy (phải) là ĐKVĐ SEA Games cũng từ chối đội tuyển. Ảnh: Tú Ngọc |
Đúng là khó cho pencak silat Việt Nam ở kỳ SEA Games này. Hết bị nước chủ nhà "cắt phăng" 5 hạng cân mà Việt Nam không có đối thủ là 50kg nữ, 75kg nữ, 80kg nam, 85kg nam và 95kg nam, lại đến chuyện các VĐV chủ lực như Lê Thị Hồng Ngoan, Nguyễn Bá Trình, Nguyễn Việt Anh, Nguyễn Thanh Quyền... đều xin rời đội tuyển. Dù lý do được đưa ra là xây dựng gia đình hoặc đi học, nhưng người trong cuộc đều hiểu nguyên nhân thực sự của những cuộc "chia ly" trong giai đoạn đỉnh cao này ít nhiều liên quan đến chuyện cơm áo, gạo tiền.
Thứ nhất, khi lên tuyển, thu nhập của những VĐV đã thành danh chẳng tăng so với khi ở địa phương. Thường thì sau khi có nhiều cống hiến bằng các danh hiệu vô địch SEA Games hay giải châu Á, thế giới, nhiều VĐV sẽ được vào biên chế. Khi lên tuyển, họ phải thực hiện chế độ khấu trừ tiền công. Ở Nhổn, chế độ tiền công cho các VĐV là 70.000 đồng/người/ngày (trừ các ngày nghỉ). Sau khi khấu trừ, có người chỉ còn vài nghìn đồng tiền công một ngày. Thậm chí, với một số người, chế độ tiền công ở đội tuyển còn không cao bằng tiền lương ở đơn vị chủ quản. Vất vả gấp nhiều lần mà thu nhập cũng chẳng tăng nên những VĐV đã thành danh ngại lên tuyển.
Thứ hai, chế độ tiền ăn 120.000 đồng/người/ngày trong cơn bão giá không đủ làm no bụng các VĐV đang ở tuổi ăn, tuổi lớn, lại phải tập luyện với cường độ cao. "Đói ăn", "đói" thu nhập khiến nhiều người không mặn với việc lên tuyển, chịu cảnh xa gia đình và sinh hoạt, tập luyện trong điều kiện chưa bảo đảm... Thêm nữa, vài năm gần đây, ngay cả khi đoạt ngôi vô địch thế giới thì các VĐV pencak silat cũng ít được để ý nên người ta càng nản.
Những người có công gây dựng thế hệ võ sỹ pencak silat từng làm mưa, làm gió trên đấu trường khu vực và thế giới mấy năm vừa qua cứ tiếc vì thế hệ VĐV Thu Hồng, Phương Thúy... phải đầu tư nhiều năm mới có thể thi đấu ở trình độ cao, nhưng chỉ sau một thời gian ngắn "hái quả" là họ đã xin rút lui. Vì thế, trong 38 VĐV trong ĐTQG hiện có tới 15 người lần đầu lên tuyển. Số còn lại đa phần được gọi bổ sung từ những đợt tập trung trước, hầu như chưa có thành tích. Cả đội chỉ còn lại Trần Văn Toàn từng vô địch SEA Games 25 hạng 55kg nam. Sự chênh lệch về trình độ của VĐV khiến cho việc luyện tập cũng gặp khó. Ngoài một số bài tập chung bắt buộc, đội phải chia làm 2 nhóm, có giáo án huấn luyện và cách tiếp cận riêng. Dù vất vả vì phải huấn luyện cho một lứa VĐV mới nhưng HLV Huỳnh Ngọc Minh Tiến vẫn tin tưởng lớp "hậu sinh" sẽ tỏa sáng nếu được tập trung đầu tư.
Nhưng vì là "phận" nhóm 2 nên pencak silat và nhiều môn thể thao khác giờ cũng ít được đầu tư. Từ nay đến trước SEA Games 26, đội không có tập huấn, thi đấu nước ngoài, chỉ được cọ xát ở giải vô địch châu Á. Đã thành quen, các HLV, VĐV đành… tự mày mò, tiếp thu những kỹ thuật mới để không làm mất ngôi "vương" trên đấu trường châu lục và thế giới. Và nỗi lo chu trình cũ lặp lại vẫn còn.