Huyện Thường Tín: Phát triển làng nghề theo hướng hiện đại hóa
Xã hội - Ngày đăng : 07:36, 15/04/2011
Thực tiễn từ xã điểm
Ảnh minh họa
Ông Lưu Văn Phúc - Trưởng phòng Kinh tế huyện Thường Tín cho biết, huyện có 46/126 làng có nghề nên việc phát triển bền vững LN truyền thống theo hướng hiện đại hóa là một trong những mục tiêu tiên quyết để xây dựng NTM. Từ năm 2010 đến 2013, huyện Thường Tín xây dựng NTM ở 8 xã thì tới 6 xã có LN phát triển mạnh: Nhị Khê, Duyên Thái, Vạn Điểm, Thắng Lợi, Quất Động, Nghiêm Xuyên. Nhị Khê được chọn thí điểm xây dựng NTM năm 2010 của huyện. Cách làm NTM ở Nhị Khê cũng có rất nhiều điểm mới, nổi bật. Hiện Nhị Khê có 851 hộ tham gia sản xuất thủ công nghiệp, giải quyết việc làm cho trên 2.000 lao động. Trong kế hoạch thực hiện đề án xây dựng NTM, Nhị Khê chủ trương quy hoạch 25ha xây dựng cụm điểm công nghiệp cho các hộ sản xuất. Điều này không những tạo thuận lợi cho các hộ dân phát triển nghề truyền thống có hiệu quả, mà còn góp phần bảo đảm vệ sinh môi trường. Nghệ nhân Nguyễn Bảo tại xã Nhị Khê phấn khởi cho biết: "Tiện gỗ là nghề truyền thống của gia đình tôi, sản phẩm là các mặt hàng dân dụng, đồ lưu niệm, được phân phối ở trong nước và cả các nước lân cận. Nay nghề truyền thống quê hương được Nhà nước quan tâm đầu tư, việc sản xuất sẽ thuận lợi hơn rất nhiều, nghề của cha ông có điều kiện được giữ gìn và phát huy".
Ông Nguyễn Tiến, Chủ tịch UBND xã Nhị Khê cho biết, đời sống của người dân trong xã đã được cải thiện nhờ có nhiều nghề truyền thống phát triển như làm bánh dày, tiện gỗ (hiện nay số hộ làm nghề ở xã chiếm 90%, thu nhập bình quân đầu người đạt từ 50.000 đồng đến 100.000 đồng/ngày. Nghề thủ công ở xã phát triển mạnh nếu "đầu ra" ổn định. Tuy nhiên, hiện nay, sản xuất của các hộ phần lớn còn nhỏ lẻ, tự phát, chưa xây dựng được thương hiệu, mối liên kết, tương trợ để cùng nhau phát triển…
Theo ông Lưu Văn Phúc, thời gian đầu triển khai đề án xây dựng NTM, Nhị Khê còn gặp nhiều khó khăn, nhất là về nguồn vốn. Tuy nhiên huyện và xã Nhị Khê đặt mục tiêu đến năm 2012 cơ bản sẽ hoàn thành kế hoạch xây dựng NTM, trong đó chú trọng đến chương trình phát triển tổng hợp cả về kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường, hình thức sản xuất mới phù hợp, hướng tới phát triển nông nghiệp hiện đại phát triển nhanh tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ.
Đẩy mạnh phát triển làng nghề
Hiện các LN ở Thường Tín thu hút lượng lao động lớn, chiếm 75% - 85% trong tổng số lao động địa phương, góp phần hạn chế di dân vào nội thành và tăng thu nhập người lao động, phát triển du lịch, hạ tầng kỹ thuật, thiết chế văn hóa, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, thúc đẩy kinh tế phát triển theo hướng CNH-HĐH nông nghiệp, nông thôn. Tuy nhiên, các LN trên địa bàn phát triển còn mang tính tự phát, quy mô phân tán nhỏ lẻ; chất lượng sản phẩm chưa cao, mẫu mã chậm thay đổi nên sức cạnh tranh kém; trang thiết bị lạc hậu, nhiều nơi còn gây ô nhiễm môi trường. Nguyên nhân, các LN đang thiếu về mặt bằng sản xuất, nguồn vốn đầu tư, nguồn nhân lực có tay nghề, thông tin thị trường… Hiện các LN trên địa bàn đều chưa có các hạ tầng kỹ thuật xử lý nguồn nước trước khi xả ra môi trường cũng như thu gom chất thải. Vấn đề khó nhất ở các LN tại Thường Tín hiện nay là khắc phục ô nhiễm môi trường. Đây là mục tiêu quan trọng để hướng tới phát triển bền vững.
Chủ tịch UBND huyện Thường Tín Uông Đức Ngọc cho biết, trong thời gian tới huyện sẽ tập trung giải quyết các vấn đề như quy hoạch đất đai xây dựng LN tập trung; đào tạo nghề truyền thống, nghề mới cho lao động nông thôn và tạo cơ chế để người dân tiếp cận được các nguồn vốn ưu đãi; phát triển làng nghề gắn với du lịch và xây dựng NTM; có chính sách hỗ trợ cải tạo môi trường các LN, cơ chế khuyến khích đào tạo nghề, nâng cao chất lượng sản phẩm… Ngoài việc nâng cao tay nghề, chất lượng sản phẩm, cũng rất cần đào tạo kỹ năng maketing cho nông dân ở các LN, giúp họ có kiến thức cơ bản khi giới thiệu với du khách để quảng bá và giới thiệu sản phẩm địa phương mình.