Nơi khởi nguồn một phong trào thi đua (tiếp theo)
Giới trẻ - Ngày đăng : 07:16, 15/04/2011
Cụ Dương Văn Viện (trái) và tác giả. |
Lối cũ làng quê, cảnh quan không thay đổi lắm. Phần lớn đường làng ngõ xóm đã bê tông hóa, con đê sông Đà đang bị máy móc cày xới lên mở thành trục giao thông, bụi tung mù mịt mỗi lần có xe cơ giới trườn qua. Sông Đà mùa này nước cạn, như thể còn cạn hơn năm nào, nhiều cồn cát nổi dọc hai bãi sông, có đụn trồi giữa dòng chảy. Cánh đồng màu vẫn mơn mởn xanh lạc, ngô, đậu tương và rau các loại. Khác biệt nhất là vùng dân cư. Ven con đường chúng tôi qua, san sát nhà gạch, đảo mắt tìm không hề thấy bóng dáng một mái tranh. Đi sâu vào xóm thì vẫn khó tránh chen chúc gập ghềnh. Để tới được ngôi đình làng ba trăm năm tuổi thờ thần Tản Viên, phải nghiêng người lách qua mấy cái hẻm. Nửa thế kỷ trước, xã Tòng Bạt có năm trăm hộ, một ngàn lao động, nay đông tới hai ngàn hộ, gấp bốn lần mà đất đai vẫn chừng ấy nếu không nói còn co lại, khan hiếm hơn.
Tiếp chúng tôi ở đình làng có cụ thủ từ đường bệ khăn xếp áo chùng. Chủ tịch xã Dương Đức Lân dong dỏng cao trong chiếc vét sẫm màu, cùng một cụ già người thấp đậm, tuổi ngoại 75 mà vạm vỡ, hồng hào trong bộ quân phục không gắn sao. Đây là một trong những nhân vật tôi mong được gặp: Cụ Dương Văn Viện, 50 năm trước là bí thư xã đoàn, người trực tiếp tổ chức phong trào “Các cô gái, chàng trai Đại Phong”. Cụ được bầu làm đại biểu Quốc hội khóa II và là một trong những người trẻ tuổi nhất tham dự Đại hội lần thứ III của Đảng (1960). Thời chống Mỹ, chàng thanh niên sung quân ngũ, vào Nam chiến đấu rồi sang Campuchia diệt tàn quân Pôn Pốt, trở về với quân hàm đại tá.
Cụ Dương Văn Viện có trí nhớ tuyệt vời. “Báu vật” đầu tiên cụ mang ra phô với khách là tấm ảnh chụp Bác Hồ đứng giữa, cùng hàng với bốn thanh niên. “Tôi đây - cụ chỉ vào chàng trai đậm người chững chạc trong bộ quần áo kaki màu sáng phía tay trái Bác. - Chị mặc áo dài đứng bên phải Bác là Trương Thị Len, công nhân Nhà máy Xi măng Hải Phòng - cụ Viện giới thiệu tiếp. - Ngoài cùng bên trái là đại biểu quân đội, bên phải là trí thức. Công, nông, binh, trí, Bác Hồ không quên ai”.
Thấy tôi chăm chú nhìn gương mặt quen của một vị đứng hàng sau, cụ nói luôn: “Anh Nguyễn Lam, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn”.
Tôi hỏi thăm các cô gái, chàng trai Đại Phong xã Tòng Bạt, nay các bà, các cụ có còn khỏe mạnh? Cụ Viện lật ra hai tấm ảnh, một tấm chụp mười thanh niên, tấm kia mười cô gái. Trỏ vào một người: “Đây, con chim đầu đàn Kiều Thị Là, bác có còn nhớ? Chị Là về sau làm cán bộ lương thực huyện. Chị Kiều Thị Lùng, em ruột chị Là, công tác ở Nông trường Dâu Đồi. Chị Kiều Thị Mai, nay sống với con trong Nam. Chị Lê Thị Nhĩ đi vùng kinh tế mới Lâm Đồng, định cư luôn trong ấy. Cô trẻ nhất, Đỗ Thị Soạn, em út trong mười cô. Chị Soạn bám trụ quê hương, làm Bí thư Đảng ủy xã mấy nhiệm kỳ. Còn đây…
Cụ Viện lần lượt giới thiệu rành mạch họ tên cùng “lý lịch trích ngang” mười phụ nữ. Giọng cụ bỗng chùng xuống: “Buồn là đã qua đời mất ba. Chị Đỗ Thị Thiệu, cán bộ Thành hội Phụ nữ Hà Nội. Chị Dương Thị Thiện, chị Phạm Thị Thọ. Cùng với con chim đầu đàn Kiều Thị Là nữa, mười cô gái Thái Bạt, đã ra đi mất bốn”.
Lật sang tấm ảnh mười chàng trai, nước ảnh nhạt nhòa theo năm tháng. “Kiện tướng thủy lợi đây, bác còn nhớ? Mỗi gánh đất của Ký là không bao giờ dưới một tạ hai đâu nhé. Về sau, Ký làm cán bộ nông trường. Ngô Văn Lỗi, chủ tịch xã này. Trung tá Trần Thế Sao. Anh Sao vào chiến đấu trong Nam trở về, còn được tín nhiệm bầu làm Bí thư Đảng ủy xã mấy nhiệm kỳ. Các anh Lương Văn Lương, Lê Văn Huẩy, Thiều Văn Khuyến đã hy sinh trong Nam. Sáu anh vào quân ngũ, chỉ còn ba. Cộng với ba bác qua đời vì tuổi tác, mười chàng trai nay còn có bốn…”.
Tôi hỏi thăm Bí thư Đảng ủy xã thời ấy. Đầu năm 1961, anh khăn gói lên đường, rời quê hương núi Tản sông Đà lặn lội vào Quảng Bình học tập kinh nghiệm quản lý hợp tác xã. Xã Tòng Bạt phát động phong trào thi đua đuổi kịp và vượt Đại Phong, và mau chóng vươn lên trở thành ngọn cờ của tỉnh Sơn Tây (cũ), được báo chí giới thiệu rôm rả, nức tiếng cả nước. Đại tướng Nguyễn Chí Thanh về thăm. “À, Phạm Văn Xuyến, bí thư - cụ Viện đáp. - Cụ còn sống, bác muốn thăm phải đến nhà. Nhưng chẳng chuyện trò gì được đâu, cụ ấy nặng tai lắm. Tám nhăm, tám sáu tuổi rồi còn gì…”.
* *
*
Nửa thế kỷ trôi qua, vẫn còn trong tôi ấn tượng tươi rói về mười cô gái và mười chàng trai hiền như đất, hơi nhút nhát mà vô cùng xốc vác. Nghe tin có đại tướng Nguyễn Chí Thanh về thăm, thanh niên xã chen chúc ở sân nhà ông Thể, xóm 13 Thái Bạt. Ánh đèn tù mù chẳng ai nhìn rõ mặt ai. Cây đèn tọa đăng đẹp nhất xóm đã dành đặt lên bàn, nơi đại tướng sẽ ngồi. Khi ông cùng cán bộ xã bước vào, cả sân người im phăng phắc. Lần đầu tiếp xúc một vị đại tướng, ai cũng ngại. Nhưng đại tướng không ngồi vào cái bàn dành riêng cho mình. Ông đi thẳng đến dãy ghế đầu, nơi các chàng trai cô gái Đại Phong ngại ngùng ken vào nhau, lần lượt bắt tay thăm hỏi. Bí thư xã giới thiệu kiện tướng thủy lợi, kiện tướng làm phân bón… Ông xuýt xoa: “Chà, cậu khỏe thật, kém gì Hạng Vũ xưa. Các cô giỏi quá. Nhưng… cho tớ hỏi, có cậu nào nhận vật tay với tớ tối nay không?”.
Để đám thanh niên ngơ ngác nhìn nhau, ông trở về chỗ mình, kéo thêm một chiếc ghế sát vào bên cạnh, rồi vén áo chống một tay lên bàn, mỉm cười chờ đợi, thách thức. Mấy chàng trai đùn đẩy. Con chim đầu đàn “một tạ hai” Nguyễn Văn Ký đứng lên, tự tin bước tới. Cánh tay kiện tướng cuồn cuộn bắp, cháy đen vì nắng gió, nhìn đã biết rắn như thép. Anh quyết thắng đối thủ dù sao mái tóc cũng đã hoa râm. Chàng trai đỏ mặt tía tai, vận dụng hết sức lực vào cánh tay. Bất ngờ, không để đối thủ kịp phản ứng, cánh tay đại tướng đột ngột ép tay chàng trai xuống mặt bàn, day day mấy cái mới buông ra trong tiếng cười ha hả: “Chịu rồi, nhé! Mời đấu thủ khác lên võ đài!”. Mọi ngại ngùng tan biến. Tiếng trầm trồ lẫn trong tiếng pháo tay.
Sau khi hạ suốt lượt mười chàng trai, đại tướng hỏi: “Có cô nào nhận thi đấu?”. Các chị rúc rích: “Chúng cháu chỉ thi cấy thôi ạ”. - “Thi cấy? Được, tôi nhận lời. Sáng mai cấy thi với các cô. Điều kiện là nhanh, nhưng phải cấy đúng kỹ thuật nữa, chăng dây thẳng hàng nhé? Nhận lời không?”.
Chờ tiếng cười nói lắng dịu, đại tướng vào cuộc. Những người nghe ông hôm ấy phần lớn là đoàn viên - ông trân trọng gọi họ là “đồng chí”. Mở đầu, ông kể chuyện: “Cách đây 30 năm, tôi còn là một thanh niên mười bảy tuổi, trẻ, khỏe và làm ruộng như các đồng chí…”. Hôm ấy, cùng bạn đi làm thuê cho một nhà giàu, đến bữa trưa, chắc không hài lòng về công việc của hai người, mụ chủ nhà tự dưng tung chân đạp con chó và chửi tục... “Các đồng chí thử nghĩ xem nó chửi ai? - đại tướng ngừng lại hỏi. - Và bát cơm của nó chúng tôi bưng lúc bấy giờ như thế nào? Đúng là cơm trộn nước mắt, các đồng chí à...”.
Câu chuyện của vị thượng cấp không bàn chuyện cao xa mà chỉ như tâm tình của một người anh đứng tuổi với lớp đàn em. Ý tưởng xuyên suốt là con người: “Hợp tác có hơn năm trăm hộ, một ngàn lao động, nếu xây dựng được một trăm con người tiên tiến làm hăng, làm giỏi, có tư tưởng tập thể làm nòng cốt thì chắc chắn hợp tác vững mạnh”.
* *
*
Hết chuyện đời xưa, tiếp chuyện thời nay. Tôi hỏi cụ Viện: “Bác có bao nhiêu cháu nội, ngoại?”
- Tôi sinh sáu con, còn bốn. Cháu ngoại thì đông, có cả chắt rồi. Nội chỉ mỗi một đứa, năm nay cháu 21 tuổi. Cháu theo nghiệp mẹ. Mẹ cháu làm giám đốc bưu điện huyện...
- Bác quên con anh X. sao?
Có ai đó nhắc. Thạc sĩ Dương Văn X. (tôi không kịp ghi tên) là con trai út cụ Viện.
- Ấy, nhưng nó là cháu gái.
- Vậy ra ông nội chỉ tính cháu trai?
Cụ cười, hỏi lại tôi:
- Bác là nhà báo đi cùng đại tướng hôm ấy đấy à?
Mấy cán bộ xã bước vào: Bí thư và Phó bí thư đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân xã. Bí thư Nguyễn Thành Luân lịch sự tạ lỗi: “Sáng nay mải lo vận động cứu trợ bão lụt miền Trung, giờ mới đến chào các bác được”. Đúng lúc quá, tôi nghĩ thầm. Định tranh thủ hỏi anh đôi ba điều. Rất chủ động, anh cười: “Sẽ xin gửi bác bản báo cáo có đầy đủ tình hình, số liệu bên trong. Giờ mời bác nghỉ. Muộn quá rồi. Đoàn còn định đi thăm đâu, ta tranh thủ…”.
Đúng là đã quá trưa từ lúc nào. Tôi xin phép dâng nén hương lên thần Tản Viên.