Chưa có hồi kết
Đời sống - Ngày đăng : 07:45, 14/04/2011
Ngôi nhà nghiêng nằm trên một túi bùn
“Thần đèn” Đỗ Quốc Khánh và các cộng sự đo đạc, khảo sát hiện trạng ngôi nhà.
Kể từ ngày 8-4, sau khi chính thức tập kết vật liệu và phương tiện để xử lý sự cố, các kỹ sư và công nhân Công ty Xử lý lún nghiêng Việt Nam đã khoan sâu tới 21m xuống dưới lòng đất ngôi nhà. Kết quả khá lạ khi cho thấy ở vị trí này toàn là đất sét dẻo và bùn. Theo dự đoán của ông Đỗ Quốc Khánh, Giám đốc Công ty, bùn sẽ còn xuất hiện dù khoan tới độ sâu 23m. Để biết chính xác, ông Đỗ Quốc Khánh yêu cầu cho mũi khoan chạy tới độ sâu 30m và kết quả vẫn tương tự. Theo kỹ sư Đào Ngọc Ước, do hiện trạng của đất nền như vậy nên không riêng gì ngôi nhà số 14 mà toàn bộ các nhà xung quanh đều có phần móng rất yếu.
Hiện quá trình chống đỡ ngôi nhà mới dừng lại ở việc luồn 2 cột sắt chống thẳng từ dưới mái hiên tầng 1 và mới đây, bổ sung thêm 4 cột chống chéo khác. Các cột này có phần chân vươn ra tới lòng đường. Hàng rào ra ngõ 20 Huỳnh Thúc Kháng vẫn giữ nguyên để thuận tiện cho việc thi công. Phương án mà Công ty Xử lý lún nghiêng đưa ra là thay móng bè hiện tại bằng móng cọc phải đình lại vì chưa được phép của UBND phường Láng Hạ. Cụ thể hơn là vì ông Đỗ Quốc Khánh chưa trình được hợp đồng ký kết với chủ nhà nên chính quyền địa phương đã cho cắt điện. "Những ngày qua, mặc dù phương tiện, vật liệu đã được tập kết xong xuôi, sau khi kết thúc giai đoạn thăm dò, tìm hiểu, chúng tôi đều mong muốn nhanh chóng bắt tay vào công việc nhưng công nhân buộc phải nghỉ vì không có điện để thi công. Chính quyền địa phương yêu cầu phải xuất trình được hợp đồng ký kết với chủ nhà thì mới cấp điện. Lý do chúng tôi chưa ký được hợp đồng này vì người đứng tên ngôi nhà đang ở nước ngoài. Hện tại mới chỉ có hợp đồng nguyên tắc ký với ông Trịnh Công An - là anh trai của chủ nhà, làm đại diện".
Theo tin mới nhất, sáng ngày 13-4, ông Đỗ Quốc Khánh đã có buổi làm việc với lãnh đạo UBND phường Láng Hạ để xuất trình phần thủ tục giấy tờ liên quan đến công ty. Vị "thần đèn đất Bắc" này đồng thời đã thông báo đến chính quyền về công tác khảo sát ban đầu, đánh giá nguyên nhân và phương án khắc phục. Chiều cùng ngày, ngôi nhà đã được cấp điện trở lại để tạo điều kiện cho phương án chống nghiêng được tiến hành.
Về việc bảo đảm an toàn cho công trình, ông Đỗ Quốc Khánh khẳng định ngôi nhà số 14 ngõ 91, Nguyễn Chí Thanh không có khả năng tự sập đổ hoặc lật đổ, dù độ nghiêng là bất bình thường, thậm chí là quá tiêu chuẩn của Việt Nam và thế giới. Phương án khắc phục là nâng toàn bộ ngôi nhà lên để "nắn" thẳng; đồng thời thay móng bè cũ bằng móng mới hiện đại. Nhưng việc có bảo đảm an toàn cho các hộ dân liền kề hay không "thần đèn" từ chối bình luận, vì "việc công bố bất cứ thông tin liên quan đến ngôi nhà phải do chính quyền địa phương" - ông Đỗ Quốc Khánh khẳng định.
Chưa nguôi lo lắng
Cán bộ địa chính phường Láng Hạ đo đạc độ nghiêng của tòa nhà. Ảnh: Dương Hiệp
Một ngày sau khi xảy ra sự việc, UBND phường Láng Hạ, quận Đống Đa, Hà Nội đã chính thức ra thông báo khẩn cấp về việc di dời 2 hộ dân liền kề ra khỏi khu vực nguy hiểm là gia đình ông Lưu Mai Sơn (số 12, ngõ 20 Huỳnh Thúc Kháng) và ông Trần Viết Lợi (số 14 - M7, ngõ 91 Nguyễn Chí Thanh). Thông báo của UBND phường Láng Hạ nêu rõ, hai hộ dân này phải di dời tài sản ra khỏi nhà. Về nhà tạm cư, thông báo đề nghị: "Các hộ đề xuất với UBND phường".
Trao đổi với phóng viên HNM, đại diện các hộ dân liền kề ngôi nhà nghiêng đều khẳng định sẽ chấp hành nghiêm chỉnh yêu cầu của cơ quan chức năng. Vấn đề với họ là việc di dời sẽ diễn ra trong bao lâu và khi nào các cơ quan chức năng vào cuộc, nhanh chóng ổn định cuộc sống trong khu vực. Ông Lưu Mai Sơn, chủ số nhà 12 cho biết: "UBND phường Láng Hạ chưa có đề xuất hỗ trợ nhà ở lẫn hỗ trợ về tiền di chuyển. Chúng tôi có đề xuất ở khách sạn nào đi chăng nữa thì nơi đó cũng không thể chứa hết đồ đạc, quần áo, vật dụng trong gia đình. Hơn nữa, làm sao mà ở đó mãi được?”.
Cuộc sống bỗng dưng bị xáo trộn hoàn toàn, có nhà mà không được ở, những người trong gia đình ông Lưu Mai Sơn ban ngày thì đi tá túc nhiều nơi, đêm đến, đi ngủ nhờ nhà người khác. Hộ còn lại trong diện phải di tản là gia đình bà Dương Minh Thành (65 tuổi) cũng đang phải sống tạm bợ bên ngoài. Bà than phiền: "Tiền thuê nhà trọ cho cả gia đình tôi là 500.000 đồng/ngày. Từ ngày ngôi nhà hàng xóm bị nghiêng đến nay, gia đình đã phải trả khá nhiều tiền thuê trọ để có chỗ ăn ở".
Ông Đỗ Quốc Khánh, sẽ lên UBND quận Đống Đa báo cáo tiến độ công việc, đề nghị quận bãi bỏ "lệnh di tản khẩn cấp", cho phép 2 hộ hàng xóm này được trở về nhà của mình. Theo như phương án mà Công ty Xử lý lún nghiêng Việt Nam đưa ra thì sẽ mất hơn 2 tháng thi công. Sau khi hoàn thành, phía công ty sẽ bảo hành cho gia chủ trong thời gian 3 năm; đồng thời chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu như ngôi nhà bất ngờ xảy ra sự cố, gây ảnh hưởng hoặc nguy hiểm cho các nhà liền kề, đối diện hoặc phía sau.
Hy vọng, người dân sống xung quanh khu vực này sớm có thể trở về với cuộc sống thường nhật. Tuy nhiên nỗi lo về những ngôi nhà được xây trên những túi bùn chưa thể nguôi ngoai.