Bắt đầu từ mỗi gia đình...

Chính trị - Ngày đăng : 07:33, 14/04/2011

(HNM) -


Đội ngũ nữ CNVV-LĐ lao động luôn cần được tạo điều kiện nhằm phát huy, khẳng định vai trò, vị trí của mình ở mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Ảnh: Trung Kiên


Ba năm liền đạt danh hiệu "Bàn tay vàng", nhiều lần được Tập đoàn Than và Khoáng sản (TKV), Bộ Công thương, UBND tỉnh Quảng Ninh tặng Bằng khen, chị Nguyễn Thị Bình, thợ tiện bậc 6/7 Phân xưởng Cơ khí 2, Công ty cổ phần Chế tạo máy (thuộc TKV) đã có nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật có tính ứng dụng cao trong thực tế và được bầu là Chiến sĩ thi đua. Song, để có được những kết quả đó, ngoài sự nỗ lực của bản thân, sự ủng hộ của tổ chức CĐ, chị Bình luôn khẳng định vai trò của chồng, giúp chị rảnh tay tập trung cho công việc và trở thành công nhân giỏi. Chia sẻ niềm vui được báo cáo thành tích trước hội nghị toàn quốc về công tác vận động nữ CNVCLĐ, chị Bình bày tỏ, nếu không có người chồng biết sẻ chia, thông cảm, đỡ đần việc nhà, cùng chăm sóc nuôi dạy con, chắc chị không có được vinh dự như vậy. Cũng như chị Bình, Tiến sĩ Khu Thị Khánh Dung, Phó Giám đốc, Trưởng khoa Sơ sinh Bệnh viện Nhi TƯ cũng chia sẻ, những kết quả mà chị đạt được trong sự nghiệp đều có sự góp công của chồng chị. Anh cũng là cán bộ nghiên cứu khoa học, nên luôn thông cảm với chị, sẵn sàng chia sẻ việc gia đình, ủng hộ chị trong sự nghiệp.

Câu chuyện của chị Bình và chị Dung tuy mộc mạc, bình dị, nhưng hàm chứa vấn đề rất lớn - cái nôi gia đình trong bình đẳng giới của đội ngũ nữ CNVCLĐ. Đây cũng chính là mục tiêu của Tổng LĐLĐ đề ra trong những năm gần đây, nhằm xóa bỏ tình trạng bất công trong công việc, sự nghiệp giữa nam và nữ CNVCLĐ. Tất nhiên, không phải thành công nào của nữ CNVCLĐ cũng phụ thuộc vào sự hỗ trợ của "đức lang quân", song tình trạng "được mặt này, mất mặt kia" giữa mái ấm gia đình và thành đạt trong sự nghiệp là hiện tượng khá phổ biến. Và, trong trường hợp đó, thiệt thòi thường rơi vào nữ CNVCLĐ. Thực tế, quan niệm tề gia nội trợ là việc của phụ nữ vẫn tồn tại, nếu không được sự sẻ chia, giúp đỡ của chồng, nhiều chị em khó có thể dành thời gian, tâm huyết cho công việc..

Quyền lợi từ chính sách

Sau 1 năm thực hiện Chương trình số 03/CTr-LĐLĐ ngày 14-1-2010 về "Tăng cường công tác vận động nữ CNVCLĐ Thủ đô trong tình hình mới" giai đoạn 2009- 2013, toàn thành phố có 3.725 ban nữ công công đoàn cơ sở (CĐCS), tăng 101 ban so với năm 2009, hơn 80% ban nữ công CĐCS hoạt động ở mức khá, giỏi. Năm 2010, Hà Nội có hơn 8 nghìn nữ CNVCLĐ đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua; 24 nghìn chị đạt danh hiệu lao động giỏi các cấp. Nữ CNVCLĐ còn có hơn 18.500 sáng kiến, làm lợi hàng chục tỷ đồng... Các cấp CĐ cũng tích cực chăm lo, tạo điều kiện để 5.994 chị được học tập nâng cao trình độ. Đặc biệt, đã có 5.995 chị em được học tập nâng cao trình độ lý luận chính trị; 40.939 chị được đào tạo, đào tạo lại chuyên môn nghiệp vụ, tay nghề; 829 chị được đề bạt các chức danh lãnh đạo từ cơ sở đến TP.

Bà Nguyễn Thị Thanh Hà, Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố cho biết, thực hiện Nghị quyết số 06b/NQ-TLĐ ngày 29-1-2011, Tổng Liên đoàn đề ra 5 giải pháp cụ thể với mục tiêu bình đẳng giới, xúc tiến tham mưu, kiến nghị sửa đổi Luật Lao động, Luật CĐ. Trong đó, chú trọng vấn đề bình đẳng giới trong lĩnh vực lao động, việc làm, giáo dục - đào tạo, chăm sóc sức khỏe cho nữ CNVCLĐ; phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng, đề bạt cán bộ nữ xuất sắc vào các chức danh lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, Công đoàn. Tổng LĐLĐ Việt Nam chủ trương tiếp tục tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào các vị trí quản lý, lãnh đạo; làm giảm khoảng cách giữa lao động nữ khu vực thành thị với nông thôn... Căn cứ Chương trình thực hiện Nghị quyết 06b của Tổng Liên đoàn, Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội xác định lấy phong trào thi đua "Giỏi việc nước, đảm việc nhà" làm trọng tâm để xây dựng chương trình hoạt động cụ thể, thúc đẩy tinh thần lao động sáng tạo trong nữ CNVCLĐ, nhằm thực hiện hiệu quả chương trình vận động nữ CNVCLĐ trong tình hình mới. Đặc biệt, sẽ đẩy mạnh tuyên truyền công tác bình đẳng giới trong gia đình, trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, nhằm nâng cao nhận thức của các "đấng mày râu" nói chung cũng như nam CNVCLĐ nói riêng, hình thành ở họ cách nghĩ đúng về công việc, sự nghiệp của nữ CNVCLĐ, có trách nhiệm hơn, giúp chị em thêm cơ hội vươn lên.

Linh Nhi