Đảng và vai trò lãnh đạo của Đảng thể hiện trong các văn kiện Đại hội XI

Chính trị - Ngày đăng : 07:00, 14/04/2011

LTS: Thực hiện Chỉ thị số 01-CT/TƯ ngày 17-3-2011 của Bộ Chính trị về học tập, quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội (ĐH) đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng; bắt đầu từ số báo này, Báo Hànộimới mở chuyên mục

LTS: Thực hiện Chỉ thị số 01-CT/TƯ ngày 17-3-2011 của Bộ Chính trị về học tập, quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội (ĐH) đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng; bắt đầu từ số báo này, Báo Hànộimới mở chuyên mục "Nghiên cứu, học tập Nghị quyết và các văn kiện ĐH XI của Đảng".

Các văn kiện Đại hội XI của Đảng đề cập một cách toàn diện các vấn đề về Đảng và vai trò lãnh đạo của Đảng. Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi xin nêu những nội dung cơ bản và mới nhất trong Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011).

Trước hết về diễn đạt bản chất của Đảng. Kế thừa cách diễn đạt của Đại hội X, Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011) khẳng định: Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam; đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của dân tộc.


Ảnh: Thái Hiền


Diễn đạt như trên là chính xác, bởi lẽ đã thể hiện được bản chất giai cấp công nhân của Đảng theo chủ nghĩa Mác-Lênin và nét đặc thù của Đảng ta theo sự phát triển sáng tạo của tư tưởng Hồ Chí Minh. Chính Người đã nhiều lần nói rằng Đảng ta không chỉ là Đảng của giai cấp công nhân mà còn là Đảng của nhân dân lao động, của dân tộc Việt Nam. Đồng thời phù hợp với thực tế Việt Nam và đáp ứng được nguyện vọng, tình cảm của nhân dân lao động và của dân tộc. Đảng được nhân dân thương yêu, cưu mang, đùm bọc, giúp đỡ, thừa nhận là Đảng của chính mình, trìu mến gọi Đảng là “Đảng ta”.

Cách diễn đạt như trên hoàn toàn không phải là hạ thấp bản chất giai cấp của Đảng, trượt sang quan điểm “đảng toàn dân” mà chính là thể hiện sự nhận thức bản chất giai cấp của Đảng một cách sâu sắc hơn, nhuần nhuyễn hơn. Bản chất giai cấp công nhân của Đảng thể hiện ở chỗ: mục tiêu, lý tưởng của Đảng là chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản; nền tảng tư tưởng của Đảng là chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh; nguyên tắc tổ chức cơ bản của Đảng là tập trung dân chủ; Đảng ta gắn bó mật thiết với nhân dân; lấy phê bình và tự phê bình làm quy luật phát triển...

Hai là, về nền tảng tư tưởng của Đảng. Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011) tiếp tục khẳng định: Đảng lấy chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động. Đồng thời, Cương lĩnh đã bổ sung một đoạn diễn đạt về nội dung, nguồn gốc, giá trị tư tưởng Hồ Chí Minh: Tư tưởng Hồ Chí Minh là một hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, kết quả của sự vận động và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin vào điều kiện cụ thể của nước ta, kế thừa và phát triển các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại; là tài sản tinh thần vô cùng to lớn và quý giá của Đảng và dân tộc ta, mãi mãi soi đường cho sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta giành thắng lợi. Nội dung này đã được thống nhất từ Đại hội IX, thể hiện một bước phát triển về tư duy chính trị và lý luận của Đảng ta; đồng thời cũng thể hiện niềm tự hào của Đảng và nhân dân ta đối với lãnh tụ thiên tài và kính yêu của dân tộc.

Ba là, về vai trò và phương thức lãnh đạo của Đảng. Cương lĩnh tiếp tục khẳng định: Sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011) đã xác định rõ hơn phương thức lãnh đạo của Đảng: Đảng Cộng sản Việt Nam là Đảng cầm quyền, lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Đảng lãnh đạo bằng Cương lĩnh, chiến lược, các định hướng về chính sách và chủ trương lớn; bằng công tác tuyên truyền, thuyết phục, vận động, tổ chức, kiểm tra, giám sát và bằng hành động gương mẫu của đảng viên. Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ, giới thiệu những đảng viên ưu tú có đủ năng lực và phẩm chất vào hoạt động trong các cơ quan lãnh đạo của hệ thống chính trị. Đảng lãnh đạo thông qua tổ chức đảng và đảng viên hoạt động trong các tổ chức của hệ thống chính trị, tăng cường chế độ trách nhiệm cá nhân, nhất là người đứng đầu. Đảng thường xuyên nâng cao năng lực cầm quyền và hiệu quả lãnh đạo, đồng thời phát huy mạnh mẽ vai trò, tính chủ động, sáng tạo và trách nhiệm của các tổ chức khác trong hệ thống chính trị.

Về vị trí của Đảng trong hệ thống chính trị, quan hệ với dân và với Hiến pháp và pháp luật, Cương lĩnh chỉ rõ Đảng lãnh đạo hệ thống chính trị, đồng thời là bộ phận của hệ thống ấy. Đảng gắn bó mật thiết với nhân dân, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng, chịu sự giám sát của nhân dân, hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật.

Đối với công tác xây dựng Đảng, Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011) xác định: Để đảm đương được vai trò lãnh đạo, Đảng phải vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức, phải thường xuyên tự đổi mới, tự chỉnh đốn, ra sức nâng cao trình độ trí tuệ, bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức và năng lực lãnh đạo. Giữ vững truyền thống đoàn kết thống nhất trong Đảng, tăng cường dân chủ và kỷ luật trong hoạt động của Đảng. Thường xuyên tự phê bình và phê bình, đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa cơ hội, tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí và mọi hành động chia rẽ, bè phái. Đảng chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên trong sạch, có phẩm chất, năng lực, có sức chiến đấu cao theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, quan tâm bồi dưỡng, đào tạo lớp người kế tục sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc...

PSG – TS Nguyễn Viết Thông