Chưa thể khẳng định rùa Hồ Gươm là loài mới
Xã hội - Ngày đăng : 06:52, 14/04/2011
Phương pháp giám định gene được Viện Công nghệ sinh học lựa chọn là dùng gene ti thể để xác định loài. Khi có kết quả giải mã gene cũng cần phải rà soát, đối chứng lại rất cẩn thận mới có thể đi đến kết luận.
Hiện có ba luồng ý kiến khác nhau về vấn đề loài của rùa Hồ Gươm. Ông Timothy McCormack (Chương trình Bảo tồn rùa châu Á) cho rằng: Rùa Hồ Gươm cùng loài với giống giải khổng lồ Thượng Hải (Rafetus swinhoei) - hiện chỉ chứng minh được là có 4 cá thể trên khắp thế giới, gồm hai cá thể đang được nuôi tại Trung Quốc, rùa Hồ Gươm và một cá thể khác đang sống tại hồ Đồng Mô (Sơn Tây, Hà Nội). PGS-TS Hà Đình Đức (Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam) thì cho rằng, loài rùa Hồ Gươm có kích thước lớn nhất trong các loài rùa nước ngọt ở Đông Nam Á, thế giới và là loài mới. PGS-TS Hà Đình Đức đặt tên loài này là Rafetus leloii. Trong khi đó, GS-TS Lê Trần Bình và cộng sự thuộc Viện Công nghệ sinh học đưa ra một giả thuyết khác. Phân tích hình thái hộp sọ của các mẫu vật thu được trên sông Hồng, sông Mã, sông Đà... cho thấy, rùa lớn mai mềm của Việt Nam khác với loài Rafetus swinhoei. Trình tự giải mã gene cũng cho kết quả tương tự. Phân tích phát sinh loài cho thấy, rùa lớn mai mềm của Việt Nam thuộc nhóm riêng biệt, gần Rafetus swinhoei và Rafetus euphraticus. Điều này dẫn đến giả định, rùa lớn mai mềm nước ngọt của Việt Nam là loài mới, chưa từng được nghiên cứu phân loài và có thể đặt tên là Rafetus vietnamensis... Tuy nhiên, tất cả phân tích trên đều chỉ là phỏng đoán do chưa ai lấy được mẫu vật trực tiếp từ rùa Hồ Gươm. Được biết, trong lần lấy mẫu rùa Hồ Gươm sáng 4-4-2011 để giám định gene, các nhà khoa học của Viện Công nghệ sinh học đã lấy mẫu từ những tăm bông dùng để sát trùng cho rùa.