Nhìn từ mỏ đá Nam Sơn

Đời sống - Ngày đăng : 06:51, 14/04/2011

(HNM) - Vấn đề an toàn trong nghề khai thác đá đang được dư luận quan tâm sau vụ sập mỏ đá Lèn Cờ (Nghệ An). Để rõ hơn về nghề này, ngày 13-4 PV Hànộimới đã về mỏ đá Nam Sơn, xã Nam Phương Tiến (huyện Chương Mỹ). Chúng tôi đã tận mắt chứng kiến bên dưới những vách đá dựng đứng, là hàng chục công nhân cặm cụi lao động, cùng những máy xúc, máy xay, ô tô, máy khoan chạy ầm ào, đất đá vương vãi khắp nơi...

Nghề nguy hiểm

"Ráo mồ hôi là hết tiền, cơ cực lắm! Nhưng ở vùng này chẳng nghề nào sáng sủa hơn làm đá" - anh Bùi Ngọc Sự (xã Nam Phương Tiến), người có thâm niên 23 năm làm nghề bộc bạch. Một ngày công lao động của thợ đá hạng "cứng" như anh Sự được khoảng 130.000 đồng, ngoài ra không còn khoản nào khác. Ở bãi đá Nam Sơn, có rất nhiều người cùng cảnh ngộ như anh Sự. Phì phèo điếu thuốc, anh Nguyễn Huy Điều điềm nhiên ngồi nghỉ bên chiếc búa tạ và cuộn dây cháy chậm. "Bây giờ làm đá bằng máy, đỡ hơn trước nhiều. Nổ mìn thì với cuộn dây này, chúng tôi về đến nhà, ngồi ăn cơm, mìn... mới nổ!" - anh Điều chia sẻ đầy vẻ tự tin. Nhìn những công nhân như anh Sự, anh Điều họ vẫn vận những bộ quần áo bình thường mà theo quy định của thợ khai mỏ phải là quần, áo, mũ, giày bảo hộ lao động.

Vách đá dựng đứng luôn chực chờ đổ ập xuống người lao động.

Đi sâu vào phía trong mỏ đá Nam Sơn (núi Thoong), hình ảnh những người thợ đá trở nên nhỏ bé trước cảnh núi non trùng điệp. Anh Nguyễn Tự Túc, cán bộ phụ trách kho vật liệu nổ, Công ty cổ phần Khai thác xây dựng Nam Sơn (đơn vị trực tiếp quản lý, khai thác mỏ đá) nói: "Nhìn vậy, nhưng người thợ đã có bảo hiểm, rất an toàn". Lời của cán bộ Túc có thể không sai?! Vì ngay chỗ chúng tôi đứng, anh thợ khoan vẫn bình thản làm việc. Thợ máy xúc vẫn miệt mài chuyển đầy đá cho những chuyến xe ô tô nối đuôi nhau. Xa xa, thợ nổ mìn điềm nhiên cài đặt thuốc nổ. Dường như, những con người có trái tim sắt đá này chẳng mảy may lo ngại về sự an toàn khi bao quanh họ là những vỉa đá lô nhô, vì "miếng cơm manh áo" mà họ bất chấp hiểm nguy, "yêu" nghề để mong sống được vì nghề.

Mỏ đá Nam Sơn có 34 thợ, khai thác ở núi Chông và núi Thoong. Người thợ có tuổi đời cao nhất là anh Doãn Tiến Hoàn, 54 tuổi, ít tuổi nhất là Nguyễn Tất Đạt, 18 tuổi.

Cấm nhưng vẫn hoạt động

Giám đốc Công ty Nam Sơn Hoàng Công Tình, (sinh năm 1977) mới nhận nhiệm vụ "cai quản" mỏ đá từ người cha ruột là ông Hoàng Công Nguyễn, cho biết tiền thân của công ty là Hợp tác xã Vôi đá Nam Phương Tiến. Có thời điểm, lao động khai thác thủ công ở đây lên đến 1.000 công nhân. Năm 2003, công ty thành lập, máy móc được đầu tư, từ đó công nhân giảm dần. Giám đốc Hoàng Công Tình khẳng định, công ty hoạt động có đầy đủ thủ tục pháp lý và luôn đặt an toàn lên hàng đầu; bảo đảm các chế độ cho người lao động như ký hợp đồng lao động và bảo hiểm thân thể thời vụ, cấp bảo hộ, tập huấn... Nhưng thực tế cuối tháng 6-2008, tại đây đã xảy ra một vụ tai nạn thương tâm, gây chết người. Theo lời giải thích của lãnh đạo công ty, sự cố đáng tiếc này là do sơ suất của người lao động. Nhưng ai cũng biết, nguyên nhân chính gây nên tai nạn tại các mỏ đá là do khai thác không bảo đảm quy trình kỹ thuật lao động không được trang bị đầy đủ kiến thức... Liệu trong đó có trách nhiệm của chủ sử dụng lao động?

Ông Nguyễn Văn Lũy, Trưởng phòng Quản lý đô thị huyện Chương Mỹ cho biết, kiểm tra tại mỏ đá Nam Sơn thấy có hiện tượng khai thác gấp vì thời hạn trong giấy phép sắp hết (tháng 2-2012). Dưới con mắt chuyên môn, ông Lũy nhìn nhận mức độ an toàn ở mỏ đá chưa bảo đảm, nguy cơ tai nạn luôn thường trực nếu công ty không thực hiện nghiêm công suất cho phép khai thác, cũng như quản lý chặt chẽ an toàn lao động. Ông Lũy dẫn chứng: "Độ dốc khai thác đá bảo đảm an toàn phải đạt mức 45 độ đến 70 độ, nhưng ở Nam Sơn vách đá gần như dựng đứng, với độ dốc khoảng 80 độ đến 85 độ. Độ dốc này thuận lợi trong khai thác nhưng nguy hiểm cho người lao động". Phó Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Chương Mỹ Nguyễn Văn Đảm còn cho biết thêm, khi kiểm tra, Công ty Nam Sơn cũng không xuất trình được thiết kế khai thác mỏ. Tài liệu này rất quan trọng, không có là vi phạm quy định khai thác mỏ cũng như tiềm ẩn tai nạn lao động.

Đáng ngạc nhiên hơn khi trong Quyết định 2531/QĐ-UBND của UBND TP Hà Nội ban hành ngày 8-6-2010, cấm hoạt động khai thác khoáng sản tại 25 khu vực, trong đó có núi Thoong thuộc bãi đá Nam Sơn. UBND huyện Chương Mỹ cũng ban hành công văn chỉ đạo vấn đề này tới các xã, thị trấn liên quan nhưng mỏ đá thì vẫn hoạt động. Giải thích vấn đề này, đại diện công ty cùng lãnh đạo địa phương cho rằng, thời hạn trong giấy phép khai thác chưa hết, cộng với đây là khai thác tận thu nếu không sẽ lãng phí!?

Bài, ảnh: Chí Đạo - Thu Hằng