Thường trực nỗi lo úng ngập

Đời sống - Ngày đăng : 07:03, 13/04/2011

(HNM) - Chưa bước vào mùa mưa, chỉ mới có vài trận mưa nhỏ nhưng hàng chục tuyến đường của TP Hồ Chí Minh đã biến thành sông, nhà ngoài phố thì phải dắt xe giữa đường; còn nhà trong hẻm thì lại triền miên tát nước. Những hình ảnh đến sớm này cảnh báo mùa mưa 2011 tiếp tục còn phức tạp.

Đắp bờ bao chống ngập ở quận 12.


Ngập "tấn công" hẻm

"Liên tục trong những ngày vừa qua, dù triều cường còn rất thấp và chỉ lác đác vài trận mưa nhỏ đầu mùa nhưng chúng tôi vẫn thường xuyên phải tát nước, dọn dẹp đồ đạc. Không hiểu nước ở đâu ra chứ như mọi năm, thời điểm này làm gì ngập được", bạn đọc Nguyễn Thị Thùy Linh (phường Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức) phản ánh.

Theo ghi nhận của chúng tôi, hàng loạt con hẻm ở các phường của quận Thủ Đức như Hiệp Bình Chánh, Linh Đông… cũng ở tình trạng tương tự. Mặc dù, người dân trong các hẻm chống ngập bằng cách nâng nền nhà nhưng vẫn không thoát cảnh phải "bơi" trong dòng nước ô nhiễm. "Tình trạng ngập cũng xảy ra ở nhiều khu dân cư mới. Địa phương cũng rất bức xúc nhưng chưa tìm được biện pháp giảm ngập", ông Nguyễn Quang Hải, Chủ tịch UBND phường Hiệp Bình Chánh nói.

Ông Đỗ Tấn Long, Trưởng phòng quản lý hệ thống thoát nước, Trung tâm chống ngập TP Hồ Chí Minh cho rằng, ngập trong hẻm khi mưa nhỏ là vấn đề mới phát sinh. Trung tâm chống ngập đã đề nghị các quận, huyện thống kê số lượng hẻm thường xuyên xảy ra ngập, nhưng chỉ để… cho biết chứ khó có thể đưa vào lập dự án chống ngập. Một phần do số hẻm ngập nhiều, trong khi kinh phí thì hạn chế, mặt khác, theo phân cấp thì việc chống ngập cho các tuyến hẻm là thuộc trách nhiệm của các quận, huyện.

Ông Long cũng đánh giá, năm nay ngập có xu hướng lan mạnh ra khu vực ngoại thành và các khu đô thị mới, thậm chí khu đô thị hiện đại như Phú Mỹ Hưng, Thủ Thiêm cũng sẽ chung cảnh ngộ.

Dự án chống ngập: Làm mãi chưa xong
Tình trạng chưa vào mùa mưa đã bị ngập khiến người dân TP càng thêm lo lắng, bức xúc bởi hàng loạt các dự án chống ngập được triển khai quá chậm chạp.

Theo Trung tâm chống ngập, từ nhiều năm qua, thành phố đã triển khai hàng loạt các dự án chống ngập, trong đó có những dự án chống ngập quy mô như: Cải thiện môi trường nước thành phố, vệ sinh môi trường thành phố lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè; cải tạo rạch Hàng Bàng… "Dự kiến, hết mùa khô năm nay 28 tuyến đường sẽ thoát ngập sau khi một số dự án chống ngập hoàn thành", ông Long thông tin. Tuy vậy, Trung tâm chống ngập cũng cho rằng, tiến độ của nhiều dự án chống ngập, đặc biệt là các dự án lớn, sử dụng vốn ODA lại triển khai quá ì ạch và chậm chạp. Ngoài ra, tốc độ đô thị hóa diễn ra chóng mặt, các công trình hạ tầng quy mô lớn làm tắc nghẽn dòng chảy, mặt đất ở thành phố ngày càng lún trong khi đó, dự án chống ngập thực hiện ì ạch thì người dân ở TP Hồ Chí Minh khó thể tránh khỏi ngập trong thời gian tới. Trung tâm chống ngập cũng liệt kê 58 tuyến đường dễ bị ngập nặng khi có mưa, triều cường, điển hình như ở đường Nguyễn Hữu Cảnh, Xô Viết Nghệ Tĩnh (quận Bình Thạnh), An Dương Vương, Tân Hòa Đông, Phan Anh, Trương Công Định, khu vực Tân Hóa - Lò Gốm (thuộc các quận 6, 11 và Tân Phú), Nguyễn Văn Quá (quận 12)....

Để giảm ngập trong mùa mưa 2011, chính quyền TP đã chỉ đạo các đơn vị liên quan đến công tác chống ngập khẩn trương nạo vét trên 860km cống thoát nước, hơn 9km kênh rạch để khơi thông dòng chảy… Ngoài ra, trung tâm còn sử dụng hệ thống máy bơm nước ở nhiều nơi để "dẫn" nước mưa ra kênh khi có mưa, triều cường. Tuy nhiên, tại nhiều nơi, các dự án chống ngập chưa thể thực hiện được như ở đường Trần Hưng Đạo (quận 5), Lê Quang Sung (quận 6), Ba Vân (Tân Bình), Kha Vạn Cân (quận Thủ Đức)… thì người dân sẽ phải tiếp tục hứng chịu tình trạng ngập trong mùa mưa sắp tới…

Minh Quỳnh