Rùa Hồ Gươm được chuyển sang bể chăm sóc

Xã hội - Ngày đăng : 06:37, 13/04/2011

(HNM) - Theo tổ khám, chẩn đoán, chữa trị cho rùa Hồ Gươm, sau hơn một tuần điều trị các vết thương ở mai, cổ và hai chi trước với nhiều tín hiệu khả quan, hiện rùa Hồ Gươm đã được chuyển từ bể chữa trị (đường kính 5m, cao 1,2m) sang khu bể chăm sóc.


Bể này có đường kính 15m, cao 1,2m và có thể chứa tới 200m3 nước. Nước ở đây bảo đảm đã qua hệ thống lọc, không bị ô nhiễm nhưng vẫn giữ được một số tính chất đặc hữu như môi trường sinh thái vốn có của Hồ Gươm để tránh cho rùa khỏi "sốc" hoặc tái nhiễm bệnh. Ngoài ra, bể này còn được thiết kế một khu vực rộng khoảng 15m2, được phủ cát dày 10cm để rùa có thể tự bò lên tắm nắng như bản năng vốn có của động vật lưỡng cư hoang dã. Trong khi đó, phác đồ, chủng loại thuốc dùng để chữa trị những ngày gần đây vẫn tiếp tục áp dụng trong thời gian tới nhưng tần suất sẽ dài ra do vết thương của rùa đã tiến triển tốt.

Trong một cuộc họp gần đây của tổ khám, chẩn đoán, chữa trị cho rùa Hồ Gươm, việc xác định giới tính cho cá thể quý hiếm này cũng đã được đề cập nhưng nhiều chuyên gia cho đây là việc không quá cấp thiết so với việc chữa lành vết thương cho rùa. Tuy nhiên, theo nguyên lý sinh sản của loài rùa, giới tính của loài này phụ thuộc hoàn toàn vào nhiệt độ khi trứng nở để quyết định cá thể thuộc giới tính nào. Phương pháp xác định giới tính của rùa hiện chủ yếu dựa vào hình thái học. Cụ thể là kích thước, đuôi, màu da, độ bóng của da và vai có răng cưa hay không. Căn cứ vào những tiêu chí này, cá thể rùa Hồ Gươm đang lưu giữ tại chân Tháp Rùa nhiều khả năng là rùa cái. Ngoài ra, kết quả xác định loài qua xét nghiệm ADN cũng sẽ có trong một vài ngày tới.

Văn Giang