Chính sách chưa đi vào cuộc sống
Đời sống - Ngày đăng : 08:21, 12/04/2011
NKT đang làm việc ở HTX sơn khảm Ngọ Hạ, xã Chuyên Mỹ, huyện Phú Xuyên, Hà Nội.
Báo cáo thường niên năm 2010 của Ban Điều phối các hoạt động hỗ trợ người tàn tật Việt Nam (NCCD) cho thấy, hiện có tới 80% hộ gia đình có NKT và 58,34% NKT gặp khó khăn trong việc khám, chữa bệnh; 55,49% trẻ em gái và 39,01% trẻ em trai bị khuyết tật chưa từng được đi học... Nguyên nhân của tình trạng này là do NKT gặp phải quá nhiều rào cản. Chẳng hạn, trong lĩnh vực chăm sóc, bảo vệ sức khỏe, phần lớn hộ gia đình có NKT đều trong hoàn cảnh kinh tế khó khăn (32,5% thuộc diện nghèo), trong khi đó, những chi phí ngoài điều trị (đi lại, chăm sóc, ăn ở, thuốc men...) lại quá cao, vượt quá khả năng tài chính của NKT và hộ gia đình có NKT. Chưa kể thủ tục, quy định đối với việc sử dụng thẻ BHYT khi chuyển tuyến còn phức tạp; đội ngũ y, bác sĩ ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa còn thiếu... Trong lĩnh vực giáo dục, cơ sở giáo dục chuyên biệt cho trẻ khuyết tật vốn đã thiếu lại phân bố không đều, chủ yếu tập trung ở khu vực thành thị, do vậy không thể đáp ứng được nhu cầu học tập của trẻ khuyết tật theo vùng, miền. Giáo dục cho người khiếm thính còn nhiều bất cập, học sinh khiếm thính chủ yếu được học bậc tiểu học, THPT ở các trường chuyên biệt nhưng không có cơ hội học tiếp vì không có trường ở cấp cao hơn. Các văn bản pháp quy về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục cho NKT chưa đề cập đầy đủ, rõ nét các điều khoản, các nội dung và đối tượng của giáo dục hòa nhập...
Theo thống kê của Bộ LĐ-TB&XH, hiện cả nước có 256 cơ sở dạy nghề, trong đó chỉ có 55 cơ sở dạy nghề chuyên biệt cho NKT. Năm 2010, cả nước có 9.441 NKT được học nghề. Sau khi tốt nghiệp, một bộ phận học viên tìm kiếm được việc làm nhưng lại không ổn định, làm công việc tạm thời, lao động chân tay, chủ yếu là tự tạo việc làm, làm việc trong các tổ chức nhân đạo, từ thiện, rất ít người tìm được việc làm và làm việc ổn định trong các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp hoặc các công việc đòi hỏi kỹ năng, trình độ chuyên môn... Các chuyên gia lý giải, NKT vốn đã hạn chế về trình độ văn hóa, chuyên môn kỹ thuật thấp, lại gặp phải nhiều rào cản của xã hội như: thái độ phân biệt, suy nghĩ tiêu cực, e ngại về chất lượng lao động, chi phí cho lao động khuyết tật, hoặc nhà xưởng, cơ sở hạ tầng, máy móc, thiết bị của doanh nghiệp không phù hợp với NKT. Bên cạnh đó, thời gian làm việc của NKT được quy định là không quá 7 giờ/ngày hoặc 42 giờ/tuần. Trên thực tế, xét theo góc độ bình đẳng về cơ hội, quy định này đã làm mất cơ hội việc làm cho NKT.
Để hỗ trợ NKT, Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản pháp luật, trong đó có những quy định ưu tiên đối với NKT. Luật Giao thông đường bộ quy định: các phương tiện giao thông và người tham gia giao thông phải ưu tiên, giúp đỡ NKT: công trình đường bộ xây dựng mới, nâng cấp và cải tạo phải bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật và điều kiện an toàn giao thông cho NKT. Luật Xây dựng quy định: các công trình xây dựng phải bảo đảm tiếp cận với NKT. Luật Đường sắt quy định: người vận chuyển khi vận chuyển hành khách phải quan tâm, chăm sóc hành khách là NKT... Luật quy định là như vậy nhưng số công trình giao thông, công trình xây dựng thực hiện những quy định trong luật không nhiều. Các công trình khó tiếp cận và khó sử dụng đã tạo ra những rào cản vô hình ngăn trở NKT hòa nhập cộng đồng, khiến cho những nỗ lực và thiện chí của xã hội trở thành vô nghĩa. Chị L.A, thành viên Diễn đàn NKT Việt Nam tâm sự: "Nhiều lần, tôi được mời đi dự hội thảo dành cho NKT, nhưng nơi đến lại không có đường tiếp cận dành cho NKT nên đi xe lăn như tôi không thể nào vào được”. Anh N.V.Đ, bị liệt hai chân đang sinh hoạt ở Nhóm Hy vọng tỉnh Bắc Giang bức xúc: "Về Hà Nội, tôi không dám tự mình ra đường mà hoàn toàn phụ thuộc vào người tình nguyện viên. Vào đâu cũng thấy khó bởi chưa có đường tiếp cận. Thủ đô đã vậy, nói gì đến địa phương chúng tôi".
Nước ta có khoảng 6,7 triệu người NKT (chiếm 7,8% dân số), trong đó 5,8% là nữ giới. Tỷ lệ NKT sống ở nông thôn chiếm 75%, thành thị chiếm 25%... NKT cũng như người bình thường, họ không thể sống ngoài cộng đồng. Vì thế, việc trợ giúp NKT xóa bỏ các rào cản để hòa nhập với cộng đồng là một việc làm cần thiết. Mong rằng thời gian tới, các cơ quan chức năng có những giải pháp để không xảy ra tình trạng văn bản, chính sách trợ giúp NKT được ban hành nhưng lại không đi vào cuộc sống. Chỉ có như vậy, NKT mới không còn gặp phải những rào cản vô hình trên con đường hòa nhập cộng đồng, xã hội.