Vì mục tiêu lớn

Kinh tế - Ngày đăng : 07:05, 12/04/2011

(HNM) - Thực hiện Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, nhiều dự án đầu tư sẽ bị cắt giảm. Đây là chủ trương đúng đắn, cần thiết để kiềm chế lạm phát và các bộ, ngành đang nỗ lực vượt qua khó khăn, góp sức hoàn thành mục tiêu chung của Chính phủ.


Nhằm kiềm chế lạm phát, nhiều dự án giao thông phải tạm dừng. Ảnh: Đức Nghiêm


Theo Bộ GTVT, năm nay ngành có thể giải ngân từ 20 nghìn đến 25 nghìn tỷ đồng cho các dự án công trình giao thông, nhưng chỉ được bố trí 11 nghìn tỷ đồng. Nguồn vốn trái phiếu chính phủ dành cho giao thông giảm khoảng 50% so với nhu cầu. Sau khi có Nghị quyết 11, khó khăn về vốn đầu tư xây dựng cơ bản giao thông càng tăng do nhiều dự án phải dừng, hoãn. Bộ GTVT cho biết, dù chưa có quyết định chính thức sau khi họp với bộ, ngành liên quan về điều chỉnh kế hoạch, nhưng ngành phải tạm hoãn một loạt dự án đang triển khai, thậm chí đang thi công để ưu tiên vốn cho các dự án quan trọng hoặc sẽ hoàn thành trong năm 2011, phát huy ngay tác dụng về KT-XH. Bộ trưởng Bộ GTVT Hồ Nghĩa Dũng đã có công điện yêu cầu đẩy nhanh tiến độ các dự án sử dụng vốn vay ODA. Với các dự án sử dụng vốn trái phiếu chính phủ chỉ tập trung vốn cho dự án hoàn thành trong năm. Phần vốn GPMB sẽ được ưu tiên cho những dự án đã phê duyệt phương án GPMB. Các dự án khác hoặc những dự án trong nước chuyển tiếp sử dụng vốn ngân sách ứng trước kế hoạch đều phải đình hoãn.

Cơ sở hạ tầng giao thông luôn được Đảng, Nhà nước xác định là mục tiêu ưu tiên làm trước để thúc đẩy phát triển KT-XH. Điều này đã được thể hiện trong nhiều nghị quyết của Đảng, Chính phủ và các địa phương. Việc các dự án chậm tiến độ không chỉ ảnh hưởng tới phát triển mà còn gây ra lãng phí, đặc biệt khi giá cả vật liệu liên tục biến động. Thực tế đã ghi nhận hàng loạt dự án phải điều chỉnh tổng mức đầu tư tăng đến hàng trăm, thậm chí cả nghìn tỷ đồng vì chậm tiến độ, trong đó khoản tăng đáng sợ nhất là chi phí cho GPMB. Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam Nguyễn Đức Thắng cho biết, Tổng cục đã rà soát lại tất cả các dự án đang triển khai và đã chuẩn bị đầu tư, với những dự án chưa có vốn thì tạm dừng. Việc đình hoãn các dự án sẽ gây ra nhiều khó khăn cho chủ đầu tư, đặc biệt là các nhà thầu. Với những dự án đang thi công dở dang, chủ đầu tư hoặc nhà thầu sẽ phải tổ chức trông giữ, bảo vệ công trường, chống tái lấn chiếm mặt bằng. Tuy nhiên, vấn đề đáng nói là cùng với thời gian, phần đã thi công sẽ bị ảnh hưởng đến kết cấu, chất lượng, đặc biệt là những công trình ở miền núi, dễ bị tác động bởi sạt lở, mưa lũ… Lãnh đạo một ban quản lý dự án giao thông cho biết, thực hiện chủ trương của Chính phủ và Bộ GTVT, đơn vị đang kiểm tra, tạm dừng một số dự án, trong đó có cả những dự án đang thực hiện thuận lợi, suôn sẻ, đây là điều đáng tiếc, nhưng hoàn toàn có thể chấp nhận vì mục tiêu lớn hơn.

Việc phải tạm dừng, hoãn các dự án, trong đó có các dự án giao thông trong bối cảnh hiện nay là cần thiết. Tuy nhiên, các bộ, ngành chức năng cần nghiên cứu kỹ lưỡng để có quyết định điều chỉnh phù hợp đối với từng khối ngành, trong đó xem xét đúng mức tầm quan trọng của đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông so với những phần việc khác, bởi đây là một nhân tố quan trọng thúc đẩy phát triển KT-XH.

Nguyễn Đức