Chính quyền không thể thờ ơ

Đời sống - Ngày đăng : 06:25, 12/04/2011

(HNM) - Những năm gần đây, sự gia tăng số người mới mắc nghiện ma túy bước đầu đã được kiềm chế, nhưng công tác cai nghiện và quản lý đối tượng sau cai vẫn gặp không ít khó khăn. Mặc dù thành phố đã triển khai nhiều chương trình, đề án về tổ chức quản lý, dạy nghề và giải quyết việc làm cho người nghiện ma túy, nhưng theo thống kê của ngành LĐ-TB&XH, tỷ lệ tái nghiện lên đến 80%.


Tỷ lệ tái nghiện cao


Một buổi sinh hoạt của CLB B93 phường Nguyễn Trung Trực, quận Ba Đình (Hà Nội).


Thực hiện việc quản lý đối tượng nghiện sau cai tại cộng đồng, Hà Nội đang triển khai hai mô hình là Câu lạc bộ quản lý, tư vấn, hỗ trợ người sau cai (CLB B93) và phân công cho hội, đoàn thể, tình nguyện viên, thanh niên tình nguyện phối hợp với gia đình quản lý, phòng chống tái nghiện, đồng thời tạo việc làm cho người sau cai, giúp họ vay vốn làm kinh tế. Tuy nhiên, 111 CLB B93 tại nhiều địa phương, không thu hút được hội viên sinh hoạt và việc giúp người cai nghiện có công ăn việc làm chưa có hiệu quả. Tại các trung tâm, để quản lý đối tượng nghiện sau cai, từ năm 2006, TP Hà Nội đã triển khai thực hiện đề án về "Tổ chức, quản lý dạy nghề và giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện ma túy". Đã có hàng chục ngàn lượt học viên được dạy nghề và tạo việc làm, vừa góp phần tạo thu nhập vừa giúp họ có thêm thời gian tách hẳn với ma túy. Tuy nhiên, khó khăn với hoạt động cai nghiện là kinh phí hỗ trợ học nghề cho học viên quá thấp (500.000 đồng/học viên). Trong khi thực tế kinh phí đào tạo một lao động lành nghề lớn hơn nhiều. Bởi vậy, số người sau cai trở về cộng đồng, sống được bằng nghề đã học ở trung tâm rất ít. Không nghề nghiệp, bị bạn xấu lôi kéo là lý do khiến tỷ lệ tái nghiện khá cao. Mặt khác, việc đưa người sau cai vào quản lý ở các trung tâm sau cai không dễ. Rõ nhất là do văn bản quy định người sau cai nếu có cam kết của gia đình thì sẽ được trở về cộng đồng. Đây chính là kẽ hở khiến cho nhiều người sau cai dễ dàng ra khỏi trung tâm, 90% đối tượng này đều không có việc làm và nguy cơ tái nghiện rất lớn.

Đâu là giải pháp?


Sau 2 năm cai nghiện tại trung tâm, những đối tượng có nguy cơ tái nghiện cao, nếu có nhu cầu ở lại sẽ được tiếp nhận vào các trung tâm sau cai. Riêng với đối tượng có nguyện vọng trở về địa phương bắt buộc phải có việc làm ổn định (UBND cấp xã xác nhận) và phải chịu sự giám sát của chính quyền trong việc quản lý sau cai tại cộng đồng... Theo thống kê của Chi cục Phòng chống TNXH, Sở LĐ-TB&XH, từ đầu năm đến nay TP đã đưa được 442 học viên vào diện quản lý sau cai, trong đó có 324 học viên tại trung tâm và 118 học viên trở về địa phương.

Bà Nguyễn Thị Thanh Thủy, Phó Chi cục trưởng Chi cục Phòng chống TNXH, Sở LĐ-TB&XH cho biết: Sau 3 tháng thực hiện Nghị định 94/2009/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống ma túy về quản lý sau cai nghiện, khảo sát ở 10 địa phương cho thấy, hầu hết các địa phương đều thực hiện nghiêm túc việc phân công tổ chức hoặc cá nhân giúp đỡ đối tượng.

Anh Dương Hà, thường trú tại phường Gia Thụy, Long Biên là một trong số 10 người được từ trung tâm về theo Nghị định 94. Sau 3 tháng về nhà, với nghề lái xe, được địa phương bảo lãnh và xác nhận lý lịch, anh Hà đã có việc làm tại một công ty với thu nhập 4 triệu đồng/tháng. Cũng nhờ sự giúp đỡ của địa phương nên anh Nguyễn Ngọc Tuệ ở phường Ngọc Thụy, Gia Lâm đã có công việc ổn định với tiền công 100.000 đồng/ngày. Còn tại xã Kim Nỗ, Đông Anh, nhờ sự vào cuộc kịp thời của địa phương, nhất là Hội Phụ nữ xã, anh Nguyễn Văn Thắng đã có vốn để duy trì nghề mộc và cùng vợ nuôi chim cút, cuộc sống gia đình ổn định dần...

Theo nhận xét của lãnh đạo Chi cục Phòng, chống TNXH TP, Nghị định 94 đang mở ra hướng đi mới trong công tác quản lý đối tượng nghiện sau cai tại cộng đồng. Trung bình mỗi quý, đối tượng sẽ được xét nghiệm một lần, sau 24 lần xét nghiệm, nếu âm tính, đối tượng sẽ được ra khỏi diện quản lý. Để tiến hành được những bước đi trên cùng với sự vào cuộc của gia đình thì chính quyền địa phương đóng vai trò rất quan trọng, góp phần giúp người nghiện đoạn tuyệt với ma túy.

Theo thống kê của Sở LĐ-TB&XH Hà Nội, hiện có 20.850 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý. Hà Nội có 9 trung tâm cai nghiện và quản lý sau cai, 1 bệnh viện chuyên điều trị cho bệnh nhân AIDS giai đoạn cuối và nghiện ma túy. Từ năm 2005 đến nay, toàn TP đã đưa được hơn 15.000 lượt người nghiện vào các trung tâm để quản lý cai nghiện bắt buộc, 2.256 người cai nghiện tự nguyện, 366 người cai nghiện tại cộng đồng.

Nguyên Hoa