Thuốc từ cây dứa
Sức khỏe - Ngày đăng : 10:15, 11/04/2011
Dứa thơm |
Dứa (thơm):
Là loại cây trồng phổ biến ở Việt Nam, là cây vừa làm thực phẩm lại có giá trị làm thuốc rất tốt. Trong quả dứa chứa nhiều thành phần dinh dưỡng có lợi cho sức khỏe, lại có mùi vị thơm ngon, rất được ưa chuộng. Trong dịch quả dứa chứa nhiều acid hữu cơ, các chất đường, các acid amin, các vitamin B1 , B2 , C, PP, đặc biệt trong quả và thân cây dứa còn có bromelin, là một enzym có tác dụng thủy phân protein, giúp cho vết thương ở niêm mạc dạ dày chóng thành sẹo. Ngoài ra nó còn có tác dụng chống viêm và chống giun đũa.
Theo YHCT, quả dứa có vị chua, ngọt, tính bình, có tác dụng giải nhiệt, sinh tân, chỉ khát. Dùng cho các trường hợp cơ thể nhiệt, háo khát, trúng thử, các trường hợp tiêu hóa kém, táo bón, đặc biệt táo bón mạn tính do đại tràng thực nhiệt, nhu động ruột giảm. Do vậy quả dứa rất thích hợp cho các trường hợp rối loạn tiêu hóa, ăn không biết ngon, tinh thần bất an, những trường hợp béo phì, xơ cứng động mạch, đau viêm khớp, gút, sỏi đường tiết niệu. Ngày có thể dùng từ 1/4 đến 1 quả dứa chín.
Trường hợp bị say nắng (trúng thử), hoặc sốt cao, sốt vàng da: dùng nõn dứa (phần non của ngọn cây dứa), khoảng 50g, giã nát, vắt lấy nước cốt cho uống. Có thể dùng nhiều lần trong ngày.
Chữa sỏi đường tiết niệu, bí tiểu tiện, tiểu buốt, tiểu ra máu: Dứa một quả, gọt bỏ vỏ, thêm khoảng 0,3 g phèn chua, nấu trong 3 giờ liền. Lấy ra ăn các miếng dứa và uống nước nấu. Dùng liền một tuần lễ. Hoặc dùng rễ cây dứa, rửa sạch, thái nhỏ, sắc uống 30 - 50g/ngày. Uống nhiều ngày tới khi hết các triệu chứng trên.
Nhuận tràng và tẩy: Lấy 50g quả dứa xanh, gọt vỏ, ép lấy dịch cho uống. Cần chú ý, cách dùng này, không thích hợp cho phụ nữ có thai.
Lưu ý: Khi ăn dứa cần phải cắt gọt hết các “mắt dứa”, vì trong mắt quả dứa có chứa một số nấm (Candida), nếu ăn phải rất dễ bị ngộ độc: người choáng váng, buồn nôn, đau bụng, nôn mửa tiêu chảy... Nhân dân thường có kinh nghiệm chữa ngộ độc dứa bằng cách lấy vỏ quả dứa, khi gọt, nấu lên, lấy nước cho uống là khỏi. Tuy nhiên cũng cần theo dõi, nếu quá nặng, phải kịp thời đưa đến cơ sở y tế để cấp cứu.
Dứa dại: có hình thức bên ngoài gần giống cây dứa nói trên, song lá mềm, hơi cong và nhỏ hơn, mặt lá phía trên rất bóng và xanh. Phiến lá dài, hai bên mép lá có các hàng gai sắc nhọn, thường trồng để làm hàng rào. Kinh nghiệm dân gian dùng dứa dại chữa bệnh:
Dứa dại |
Chữa phù thũng:
Rễ dứa dại 10 - 15g, hoặc 15 - 20g đọt non, rửa sạch, cắt nhỏ, sắc uống, ngày một lần. Uống nhiều ngày liền, đến khi hết các triệu chứng trên. Trường hợp bị phù kèm theo táo bón nhiều, có đau bụng, có thể phối hợp rễ dứa dại 8g (nướng qua), rễ cau non 4g, vỏ cây đại 8g (thái mỏng, sao vàng), hương nhu 8g (lá), tía tô 8g (lá), hoắc hương 8 g, hậu phác 12g, rễ phụ cây si 8g. Tất cả thái nhỏ, sắc uống, ngày hai lần, đến khi hết các triệu chứng trên.
Chữa phù thận tiểu ít, tiểu buốt rắt, nước tiểu vàng đục: rễ dứa dại 400g, râu ngô 300g, củ sả 100 g, nõn tre 50g, cam thảo dây 20g, trấu mới của thóc nếp 100g (sao vàng thơm). Dùng dưới dạng thuốc sắc, đun sôi 30 phút. Uống ngày 2 lần. Trẻ em tuỳ tuổi, giảm lượng. Uống liền 5 ngày. Nghỉ 3 ngày, uống đợt sau.
Chữa sỏi thận, tiểu buốt, tiểu ra máu: đọt dứa dại 120g, ngải cứu tươi 20g, cỏ bợ 30g, lá phèn đen 10g. Rửa sạch, giã nát, vắt lấy nước cốt cho uống. Làm nhiều lần, tới khi hết các triệu chứng trên.
Trị sỏi thận, sạn thận, sỏi bàng quang, hoặc sau khi đã tán sỏi, cần loại sỏi ra ngoài: quả dứa dại, rửa sạch, ngâm cho mềm, để ráo nước bổ nhỏ, thái phiến, sao vàng, cùng với kim tiền thảo, mỗi vị 20g, sắc uống, ngày một thang, uống nhiều ngày cho đến khi hết sỏi.
Dứa bà |
Dứa bà (còn gọi là dứa Mỹ):
Dứa bà có thân ngắn, nhưng lá có bẹ to, mọc ốp vào nhau thành hình hoa thị. Lá to, dài trên 1m, mũi lá nhọn, hai mép có gai như răng cưa. Cụm hoa rất to. Lá dứa bà thái nhỏ, phơi khô, ngày 12-16 g, sắc uống trị sốt cao, tiểu tiện khó, bí. Rễ dứa bà thái mỏng, phơi khô, sao vàng, ngâm rượu, tỷ lệ 100 g/1 lít rượu 300 , ngâm 1 tháng, uống ngày 2 lần, mỗi lần 5-10 ml, trị tiêu hóa kém, đau nhức xương khớp. Ngoài ra còn dùng rễ, lá tươi, giã nát, ngậm chữa đau nhức răng.