Về Phú Đô, nghe chuyện phố làng...

Xã hội - Ngày đăng : 06:42, 10/04/2011

(HNM) - Khi nhiều làng ven đô đang đổi đời nhờ đô thị hóa, tiền đền bù các dự án, nông dân ôm một lúc vài tỷ đồng, phá nhà cũ xây nhà mới, xe máy, ô tô xịn đỗ khắp đường làng... Phú Đô cũng từng như thế nhưng đến giờ tất cả đã trôi qua nhanh chóng. Để rồi nhiều người dân hiểu rằng, thứ đó không phải là căn cốt, bảo đảm một cuộc sống an lành cho họ mà kế sinh nhai bền vững mới là quý giá.

Chuyện đã qua

Người dân thôn Phú Đô, xã Mễ Trì, huyện Từ Liêm (Hà Nội) vốn quen trồng lúa, làm bún kết hợp chăn nuôi. Tất cả đột ngột thay đổi khi các dự án lớn mang tầm quốc gia được xây dựng trên đất Mễ Trì. Làng bún Phú Đô được bao bọc bởi ruộng đồng nay là các tòa nhà chọc trời, các trung tâm hội nghị quốc gia, quốc tế… Mấy năm trước, bước vào làng bún Phú Đô như vào một "đại công trường", ô tô, công nông chở vật liệu xây dựng quần ngày đêm không kể nắng mưa. Khắp đầu đường cuối ngõ ngổn ngang gạch, cát. Xe máy tay ga đắt tiền gia đình nào cũng sở hữu ít nhất 1 chiếc, có nhà vài ba chiếc, ô tô tiền tỷ cũng không hiếm. Từ năm 2003, Phú Đô có 4, 5 lần sốt đất từ chỗ vài triệu đồng/m2 lên 10 triệu, 20 triệu, 30 triệu…, nhiều người bán cả đất vườn cha ông để lại, thu về tiền tỷ, xây nhà khang trang như biệt thự. Ngõ nhỏ lầy lội thành đường phố, điện cao áp sáng bừng.

Nghề làm bún tại làng Phú Đô.

Ông Trần Văn Tính ở xóm 4 cho biết, thu nhập từ 1 sào lúa vài trăm nghìn đồng/vụ, không thấm vào đâu so với số tiền tỷ nhận được từ "đền bù". Xưa tiền ít, làm ăn nhặt nhạnh 15-20 nghìn đồng chứ lên phố rồi thấy đồng tiền đó "bèo" quá.

Hôm nay thức tỉnh

Cứ tưởng được tiền đền bù, giá đất lên cao dân làng không còn thiết tha với nghề làm bún nữa. Tiếp chúng tôi khi vừa xong một chuyến giao bún cho các nhà hàng về, ông Bùi Quang Cảnh, Trưởng thôn Phú Đô cho biết, cảnh tiêu tiền, vung tay quá trán ở Phú Đô giờ cũng ít rồi. Nghề làm và kinh doanh bún vẫn là nguồn thu nhập chính của nhiều hộ. Từ ngày làng lên phố, số hộ dân làm bún tận dụng phụ phẩm nuôi lợn, gây ô nhiễm môi trường không còn nữa. Cả thôn chỉ còn hơn 10 hộ làm bún nhưng đã hình thành những ông chủ lớn, đầu tư máy móc trang thiết bị, sản xuất từ 1 đến 3 tấn bún/ngày, bán buôn. Hơn 100 hộ dân ngoài làm các dịch vụ khác như xây nhà trọ cho thuê, mở quán ăn chuyển sang bán bún, chạy chợ. Qua những biến đổi thăng trầm, người nông dân hôm qua ôm cả tỷ đồng, cứ tưởng từ nay chẳng phải làm bún vất vả sớm khuya, lo gì đói, nghèo thì nay đã ngộ ra nhiều điều. Mới có dăm bảy năm hậu "đền bù", có tới 80% trong số những "tỷ phú chân đất" ở Phú Đô thấy mình không còn giàu nữa.

Giờ vào Phú Đô không còn cảnh nhà nhà xây dựng, người người mua xe máy xịn. Nông dân cũng đã thích ứng với nhịp sống đô thị, thích ứng với niềm vui khi ôm bạc tỷ từ bán vài chục mét vuông đất thổ cư, thích ứng với cả sự tiếc nuối vì giá như để lại nay có giá hơn nhiều. Thích ứng với việc "túi tiền" của mình vơi dần đi theo ngày tháng. Đô thị hóa đem lại cơ hội đổi đời cho hàng nghìn nông dân ở đây, nhiều người tiêu tiền loạn xạ nhưng phụ nữ ở đây vẫn giữ được nếp nhà.

Vừa chằng 2 thúng bún, chuẩn bị giao cho các nhà hàng ở phố Hàng Bè, chị Nguyễn Thị Loan ở xóm 3 đon đả, chẳng cần tới tiền cho thuê nhà trọ hay tiền "đền bù", mỗi ngày đổ buôn và bán lẻ 1 tạ bún, vợ chồng chị cũng đủ nuôi các con ăn học đến nơi đến chốn và duy trì cuộc sống ổn định. Chị bảo, ôm một đống tiền "đền bù" cũng chỉ là nhất thời thôi, ai giữ được thì giàu chứ vung tay qua một đêm là tiền tỷ tiêu tan. Đất chỉ xắt ra, bán vài lần là hết. Nghề bún tuy vất vả, nhọc nhằn nhưng nếu chịu khó, hai vợ chồng chạy chợ cũng được vài ba trăm nghìn đồng, đủ trang trải cuộc sống. Ba đứa con, ăn học cũng từ thúng bún.

Cứ ngỡ làng lên phố rồi thúng bún đi vào dĩ vãng, nhưng không hẳn thế, bao đời người Phú Đô sống nhờ vào bún thì nay vẫn vậy. Sáng sáng những thúng bún nóng hổi rời đường quê đến mọi ngóc ngách của thành phố không chỉ là kế sinh nhai mà còn là sách làm giàu của nhiều người nông dân. Bài học Phú Đô không hề cũ đối với nhiều làng ven đô đang trong quá trình lên phố.

Tố Phương - Bạch Thanh