Hà Nội: Tháo gỡ vướng mắc xây dựng nông thôn mới

Xã hội - Ngày đăng : 06:18, 10/04/2011

(HNM) - Sau gần 2 năm Hà Nội triển khai thí điểm mô hình nông thôn mới (NTM), các xã làm điểm đã thu được những kết quả nhất định. Tuy nhiên, quá trình triển khai cũng bộc lộ nhiều vướng mắc về cơ chế, chính sách như huy động nguồn lực, đấu giá đất, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư...

Chính vì thế, ngày 9-4, UBND thành phố đã tổ chức hội thảo với sự tham gia của lãnh đạo các sở, ban, ngành; các ngân hàng, doanh nghiệp... nhằm tháo gỡ cơ chế, chính sách xây dựng NTM.

Xã Yên Sở, huyện Hoài Đức (Hà Nội) được xây dựng khang trang theo tiêu chuẩn nông thôn mới. Ảnh: Thái Hiền

Tại hội thảo, các ý kiến tập trung nêu khó khăn, bức xúc như phải lập hồ sơ đấu giá đất rất phức tạp, vướng nhất là việc phải xem xét chỉ giới đường đỏ, quy trình tổ chức đấu giá đất lòng vòng, bất cập. Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Đào Duy Tâm cho rằng, quy trình, thủ tục đấu giá đất phải qua 8-9 đầu mục hồ sơ các xã đều kêu quá cồng kềnh, việc lập hồ sơ, văn bản thỏa thuận quy hoạch kiến trúc, bản vẽ chỉ giới đường đỏ, mời hội đồng thẩm định Sở Tài nguyên và Môi trường, là những vướng mắc đang rất cần tháo gỡ. Nhiều ý kiến đề cập những vướng mắc trong cơ chế ưu đãi doanh nghiệp, huy động nguồn lực, giá thuê đất đối với doanh nghiệp nông nghiệp quá cao.

Theo ông Nguyễn Văn Long, Giám đốc Công ty Hương Cảnh, đầu tư vào dự án rau an toàn ở Hà Nội giá thuê đất rất cao. Trong khi đó, hệ thống các siêu thị ở Hà Nội chưa đáp ứng được tiêu chuẩn bảo quản rau. Hiện vùng rau an toàn của Công ty đặt tại xã Văn Đức (Gia Lâm), đã ký hợp đồng bao tiêu ổn định cho nông dân, bảo đảm các tiêu chuẩn sạch nhưng vẫn rất khó tiêu thụ. Còn ông Ngô Đức Trưng, Phó Giám đốc Sở Tài chính cho rằng, theo Nghị quyết 03 của HĐND thành phố, đến năm 2030, 401 xã (chiếm 100% số xã) của Hà Nội đạt tiêu chí NTM với tổng kinh phí đầu tư 32.000 tỷ đồng. Giai đoạn 2010-2015, xây dựng NTM tại 140-160 xã, mức vốn là 20.000 tỷ đồng (bình quân 123 tỷ đồng/xã), giai đoạn 2016-2020 xây dựng thêm 120-140 xã, mức vốn 8.800 tỷ (bình quân 62 tỷ/xã)… Tính bình quân mỗi xã, ngân sách hỗ trợ khoảng 40 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo đề án NTM các xã lập, số vốn vượt khá cao so với mức vốn bình quân (khoảng 150-200 tỷ đồng). Đây là nhu cầu vốn lớn, khó khả thi nếu không có cơ chế đặc thù huy động vốn.

Để tháo gỡ các khó khăn về cơ chế, chính sách đối với xây dựng NTM, thành phố đã giao Sở Kế hoạch và Đầu tư soạn thảo quy định về "Cơ chế, chính sách huy động vốn, công tác lập kế hoạch, phân bổ vốn và cơ chế đặc thù về quản lý đầu tư xây dựng cơ bản tại các xã thực hiện đề án chương trình xây dựng NTM". Theo ông Phó Giám đốc Phạm Văn Khương, Sở sẽ có quy định cụ thể về các nội dung như: chủ đầu tư các dự án cơ sở trên địa bàn xã, quy định lập kế hoạch, chuẩn bị đầu tư, thủ tục, quy trình và phê duyệt các dự án, cơ chế huy động vốn…

Đường làng tại xã Nhị Khê, huyện Thường Tín (Hà Nội) đã được bê tông hóa.
Ảnh: Bá Hoạt

Tham luận tại hội thảo, nhiều ý kiến đề xuất cần phân cấp vốn đầu tư cho các huyện nhưng phải có kế hoạch cụ thể, tránh tình trạng tiền về mà không giải ngân được. Ông Ngô Đức Trưng, Phó Giám đốc Sở Tài chính đề xuất, vốn phân bổ cho các huyện cũng phải có hướng dẫn, phân bổ vốn, có kiểm tra thường xuyên. Công tác thẩm định đề án phải chặt chẽ, xác định các công trình ưu tiên làm trước, có như vậy mới tập trung được nguồn lực. Để tháo gỡ những khó khăn trong vấn đề quy hoạch, ông Vũ Tuấn Định, Phó Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc cho biết: Năm 2010, Sở đã gửi văn bản về UBND thành phố, tháo gỡ vướng mắc về chỉ giới đường đỏ một số công trình như đường giao thông, trạm y tế… Sở Tài nguyên và Môi trường cũng cho biết hiện đang tham mưu cho thành phố sửa đổi Quyết định 43 về đấu giá đất, rút ngắn thủ tục hành chính. Đối với diện tích đất nhỏ lẻ, xen kẹt sẽ giao cho UBND quận, huyện phê duyệt, kinh phí giao cho cấp huyện và cấp huyện phân bổ. Theo ông Trần Xuân Việt, Giám đốc Sở NN & PTNT trong triển khai thực hiện đề án hiện nay, các công trình xây dựng cơ bản đầu tư cho NTM tới 90% là do doanh nghiệp làm, người dân tham gia còn hạn chế. Do đó, các địa phương cần huy động sức dân đóng góp ngày công, có vậy người dân mới có ý thức để tạo dựng NTM.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Trịnh Duy Hùng cho rằng, cơ chế, chính sách đối với xây dựng NTM là vấn đề lớn cần tháo gỡ nhanh. Các sở, ngành cần rà soát lại các nội dung cụ thể của sở, ngành mình liên quan đến xây dựng NTM, đối chiếu với thực tế, từ đó có đề xuất, kiến nghị với trung ương, thành phố bổ sung phù hợp. Sở Tài nguyên- Môi trường cần rút ngắn quy trình xử lý đất xen kẹt, đất giãn dân, đẩy mạnh phân cấp cho cấp huyện. Sở Kế hoạch - Đầu tư tăng cường phân cấp, phân bổ nguồn vốn theo hướng tích cực, trình tự thủ tục các dự án, đề án đầu tư cần xem xét theo hướng gọn nhất, khoa học nhất. Sở Quy hoạch - Kiến trúc cần hướng dẫn việc lập quy hoạch trong thời gian ngắn nhất, chi phí thấp nhất. Sở NN & PTNT cần đề xuất cơ chế chính sách đầu tư phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, thu hút doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất...

Nguyễn Mai