“Ngột ngạt” phố cổ

Giới trẻ - Ngày đăng : 05:50, 10/04/2011

(HNM) - Khu vực phố cổ có 128 di tích lịch sử, văn hóa có giá trị, nằm lẫn trong khu dân cư đông đúc. Nhiều di tích còn nguyên giá trị, nhưng cũng không ít di tích bị xâm hại. Làm thế nào để bảo tồn mà không mâu thuẫn với phát triển? Để tìm hiểu rõ hơn đời sống của cư dân nơi phố cổ, chúng tôi đã làm cuộc khảo sát thực địa, lần giở sử sách để tự cắt nghĩa vì sao phố cổ "ngột ngạt" đến thế.

Nhà thấp do Luật Gia Long

Sau khi đánh tan quân Minh không lâu, Đông Kinh trở lại sầm uất như Thăng Long triều nhà Trần. Dân cư đông đúc, các xưởng thủ công do triều đình mở thu hút thợ giỏi khắp nơi và dù mang nặng tư tưởng Nho giáo về "sĩ, nông, công, thương", song buôn bán ở Đông Kinh vẫn phát triển. Bất chấp lệnh cấm, các quan trong triều vẫn núp sau vợ con mở cửa hàng buôn bán và sản xuất hàng thủ công nên kinh đô vẫn nhộn nhịp. Đông Kinh đông đúc, nảy sinh tệ nạn xã hội như cờ bạc, trộm cướp… Trước thực trạng đó, mùa thu năm 1481, triều đình ra chỉ dụ bắt tất cả người nhập cư trở về bản quán của họ. Tuy nhiên, một viên quan trong triều là Quách Đình Bảo đã can gián, cho rằng làm như thế "Nơi kinh sư buôn bán sẽ thưa thớt, không còn sầm uất phồn thịnh nữa, ngạch thuế sẽ thiếu hụt". Đến cuối triều Lê, Đông Kinh được mở rộng về phía Đông và Đông nam thành khi các chúa Trịnh xây lầu bên hồ Hoàn Kiếm và ngăn hồ thành Tả Vọng và Hữu Vọng.

Hơn chục hộ dân sống trong không gian chật chội nhà 27 phố Hàng Bạc. Ảnh: Khôi Ngô

Giữa năm 1802, Nguyễn Ánh lên ngôi, lấy niên hiệu là Gia Long, đưa quân ra Bắc, chiếm Bắc thành từ nhà Tây Sơn. Nguyễn Ánh không đặt đô ở Thăng Long mà chọn Phú Xuân vốn trước đó là nơi đóng quân của nhiều đời chúa Nguyễn. Mặt khác, Nguyễn Ánh cũng biết người dân, nhất là tầng lớp sỹ phu Bắc Hà, vẫn nặng lòng với nhà Lê và Tây Sơn không tin mình, ở lại Thăng Long là mối nguy lớn trước mắt cũng như lâu dài. Thế là sau hơn 800 năm là kinh đô, Thăng Long trở thành trấn thành. Năm 1831, Vua Minh Mạng lại hạ cấp Thăng Long từ trấn xuống tỉnh.

Năm 1815, Gia Long công bố Hoàng Việt luật lệ (hay còn gọi là Luật Gia Long), bộ luật thứ hai của các triều đại phong kiến Việt Nam sau Luật Hồng Đức đời Hậu Lê. Luật có 22 quyển với 398 điều, bao quát các mặt của đời sống chính trị, xã hội. Năm 1820, khi Minh Mạng lên ngôi đã cho sửa luật phù hợp với cách cai quản của mình. Trong Luật Gia Long và luật sửa của Minh Mạng đều có các điều khoản quy định về xây dựng ở Hà Nội: "Nhà trong trường hợp nào cũng không được xây trên nền 2 cấp hay chồng 2 mái. Cấm làm nhà có gác cao bằng vai kiệu trương quan đi tuần" và "Cấm không được trổ cửa sổ ra bên đường". Khi Pháp chiếm hoàn toàn Hà Nội năm 1883 và Hà Nội trên thực tế do Công sứ Pháp cai quản nhưng người dân vẫn sợ, không dám xây nhà trái với Luật Gia Long. Phải đến năm 1888, Hà Nội thành nhượng địa của Pháp thì luật trên mới bị bãi bỏ. Như vậy là trong suốt 73 năm, kể từ khi công bố Luật Gia Long, nhà cửa ở khu vực 36 phố phường chỉ thấp và nhỏ.

Thập kỷ thứ ba và thứ tư của thế kỷ XX, nhờ có xi măng, sắt thép, gạch men hoa... nhập từ nước ngoài cộng với vật liệu trong nước như đá và gỗ, nhiều gia đình khá giả ở khu vực 36 phố phường đã phá dỡ nhà cũ, xây cao hơn, nhưng chính quyền lúc bấy giờ cũng không cho phép xây cao quá 3 tầng. Ai muốn xây cao hơn thì phải ra khu vực khác.

Phố nghề truyền thống Hàng Bạc, bên trong là những xưởng chế tác đồ trang sức. 

Mặt tiền hẹp vì chính sách thuế

Dù vua Gia Long hạ cấp Thăng Long là trấn thành rồi đến đời Vua Minh Mạng thành tỉnh Hà Nội, song Thăng Long - Hà Nội vẫn là trung tâm buôn bán sầm uất, hàng hóa từ đây tỏa về các tỉnh và từ các tỉnh đổ về. Dẫu triều Nguyễn không mặn mà với các thương nhân nước ngoài nhưng hàng nông sản, thủ công vẫn lên các tàu buôn ra nước ngoài và câu phương ngôn cổ "Muốn không đói ra Kẻ Chợ. Đừng lên rợ mà chết" vẫn đúng. Hà Nội chỉ hoang vắng trong hai đợt chạy loạn, khi Pháp đánh thành Hà Nội lần thứ nhất vào năm 1873 và lần thứ hai vào năm 1882. Cuốn "Chuyện kể bên dòng sông Tô" của Viên Mai Nguyễn Công Chí, ghi chép về nhiều đời họ Nguyễn quê gốc làng Hạ Thái (huyện Thường Tín, Hà Nội) từ khi họ rời làng lên khu phố Diên Hưng (sau là Hàng Lam và nay là Hàng Ngang), cho thấy Hà Nội dưới triều Nguyễn phát triển nhanh nên giá đất ở khu vực 36 phố phường tăng lên chóng mặt. Dân phố Hàng Lam, vốn có nghề nhuộm vải đã bán nhà rồi kéo nhau xuống mua đất ở khu vực Hàng Bông Nhuộm rẻ hơn để mở xưởng, còn tiền dư để làm vốn. Chính sách thuế của nhà Nguyễn từ Gia Long, Minh Mạng, Tự Đức đến các đời vua sau đối với Hà Nội hầu như không thay đổi. Họ không căn cứ vào buôn to hay buôn nhỏ mà thu thuế theo mặt tiền cửa hàng, bất kể chiều sâu là bao nhiêu. Chiều ngang càng rộng thì thuế càng nhiều. Kiểu thu thuế này khiến nhiều gia đình có mặt tiền rộng nhưng làm ăn không được phải è lưng đóng thuế. Thế là các ngôi nhà vốn vuông vức, rộng rãi thời Lê bị xẻ nhỏ chia cho con cái, có nhà thì bán hay cho thuê. Và kiến trúc nhà ống ra đời trong thời nhà Nguyễn…

(Còn tiếp)

Nguyễn Ngọc Tiến