Acid uric máu cao, nên ăn gì?

Sức khỏe - Ngày đăng : 17:24, 09/04/2011

Có thể nói, nguyên nhân trực tiếp gây bệnh gút là acid uric. Khi lượng acid uric trong máu tăng cao thì sẽ lắng đọng ở một số tổ chức và cơ quan dưới dạng tinh thể, đặc biệt là ở khớp mà gây ra bệnh gút.

Acid uric lắng đọng ở khớp gây ra bệnh gút.


Rau cần: Cần trồng dưới nước tính mát, vị ngọt có công dụng thanh nhiệt lợi thuỷ. Cần trồng trên cạn tính mát, vị đắng ngọt, có công dụng thanh nhiệt, khu phong và lợi thấp. Cả hai loại đều có thể dùng, đặc biệt tốt trong giai đoạn gút cấp tính. Rau cần rất giàu các sinh tố, khoáng chất và hầu như không chứa nhân purin. Có thể ăn sống, ép lấy nước uống hoặc nấu canh ăn hàng ngày.

Xúp lơ: Là một trong những loại rau rất giàu sinh tố C và chứa ít nhân purin (mỗi 100g chỉ có dưới 75 mg). Theo dinh dưỡng học cổ truyền, xúp lơ tính mát, vị ngọt, có công dụng thanh nhiệt, lợi tiểu và thông tiện nên là thực phẩm này rất thích hợp cho người có acid uric máu cao.

Dưa chuột: Là loại rau kiềm tính, giàu sinh tố C, muối kali và nhiều nước. Muối kali có tác dụng lợi niệu nên người bị gút cần ăn nhiều dưa chuột. Theo dinh dưỡng học cổ truyền, dưa chuột tính mát, vị ngọt, có công dụng thanh nhiệt lợi thuỷ, sinh tân chỉ khát và giải độc nên loại rau có khả năng bài tiết tích cực acid uric qua đường tiết niệu.

Cải xanh: Cũng là loại rau kiềm tính, giàu sinh tố C, muối kali và hầu như không chứa nhân purin. Cải xanh có tác dụng giải nhiệt trừ phiền, thông lợi tràng vị. Sách Trấn nam bản thảo cho rằng cải xanh còn có tác dụng “lợi tiểu tiện”, rất thích hợp với người bị thống phong (bệnh gút).

Cà: Cà pháo, cà bát, cà tím... đều có tác dụng hoạt huyết tiêu thũng, khứ phong thông lạc, thanh nhiệt chỉ thống. Đây cũng là loại thực phẩm kiềm tính và hầu như không chứa nhân purin. Nghiên cứu hiện đại cho thấy, cà còn có tác dụng lợi niệu ở một mức độ nhất định.

Cà tím.

Cải bắp: Là loại rau hầu như không có nhân purin, rất giàu sinh tố C và có tác dụng lợi niệu. Sách Bản thảo cương mục thập di cho rằng cải bắp có công dụng “bổ tinh tuỷ, lợi ngũ tạng lục phủ, lợi quan tiết (có ích cho khớp), thông kinh hoạt lạc” nên là thực phẩm rất tốt cho người có acid uric máu cao.

Củ cải: Tính mát, vị ngọt, có công dụng “lợi quan tiết”, “hành phong khí, trừ tà nhiệt” (Thực tính bản thảo), “trừ phong thấp” (Tùy tức cư ẩm thực phổ), rất thích hợp với người bị phong thấp nói chung và thống phong nói riêng. Đây cũng là loại rau kiềm tính, giàu sinh tố, nhiều nước và hầu như không có nhân purin.

Ngoài ra, người có acid uric máu cao cũng nên trọng dụng các thực phẩm khác như cà rốt, cà chua, măng, mướp, dưa gang, cải trắng, mã thầy, hành tây, mía, chuối, cam, quýt, đào, hạnh đào, mơ, hạt dẻ... Tăng lượng nước uống để kích thích thải acid uric ra ngoài. Nên kiêng hoặc hạn chế các thực phẩm có chứa nhiều nhân purin như phủ tạng động vật (gan, thận, não, tụy...), thịt lợn, thịt dê, thịt bò, thịt cừu, thịt gà, thịt vịt, thịt ngan, thịt ngỗng, thịt hun khói, chim cút, cá chép, cá chạch, cá thờn bơn, cá hồi, lươn, nghêu, sò, cua, rau chân vịt, rau câu, đậu hà lan, nấm, biển đậu... và không dùng các đồ ăn thức uống có tính kích thích như nước trà đặc, cà phê, rượu trắng, hạt tiêu, hồi, quế, ớt... Người bị gút nặng, acid uric máu tăng quá cao nên ăn chay theo chu kỳ như ngày ăn táo, ngày ăn dưa chuột, ngày ăn rau xanh để hỗ trợ điều trị bệnh. Nếu ăn táo hoặc dưa chuột, mỗi ngày ăn 1,5kg chia 3 - 4 bữa; nếu ăn rau xanh, mỗi ngày 1,5kg chia nhiều bữa dưới các dạng nấu, xào hoặc làm nộm.

Theo Báo SK&ĐS