'Sốt' mua sắm cộng đồng

Xã hội - Ngày đăng : 11:09, 09/04/2011

Nhiều người tiêu dùng phát sốt với các hình thức mua sắm cộng đồng trên mạng Internet.


Chị Linh, một nhân viên văn phòng tại Hà Nội rất hào hứng khi vừa mua được phiếu giảm giá đi Quảng Bình resort với chi phí chưa đến một nửa so với thực tế. “Giá là 5,8 triệu nhưng mua qua nhommua.com, chỉ phải trả 2,5 triệu. Thấy rẻ và thời gian sử dụng còn khá dài nên tôi mua”, chị Linh chia sẻ.

Thích được giảm giá 50-70% nên rất nhiều người trở thành "tín đồ" của các hình thức mua bán trên. Hương, sinh viên trường Ngoại thương cho hay cô thường xuyên vào các trang web về mua sắm cộng động và cứ có voucher nào giảm trên 70% về ăn uống, thời trang là cô "rinh" về.

Trên những trang này thậm chí còn có nhiều dịch vụ được miễn phí hoàn toàn, người mua chỉ cần đăng ký là được hưởng ưu đãi như thẩm mỹ tại Unique Beauty Salon được khuyến mãi toàn bộ số tiền 240.000 đồng. Tuy nhiên, tần suất xuất hiện những gói dịch vụ trên không nhiều.

Người tiêu dùng nên kiểm chứng kỹ thông tin để tránh hiểu nhầm về gói dịch vụ.


Mua sắm cộng đồng thực chất là hình thức liên kết giữa các cửa hàng, doanh nghiệp với các website bán hàng. Ví dụ, muốn quảng cáo sản phẩm thời trang, chủ shop sẽ phải đàm phán và bán cho bên trang web phiếu mua hàng 300.000 đồng với giá 120.000 đồng. Quản lý website bán lại với người tiêu dùng là 150.000 đồng.

Khi đó, cửa hàng sẽ được quảng cáo rộng rãi, thu hút đông người tiêu dùng còn các website được thu phí 30.000 đồng mỗi phiếu và người tiêu dùng được giảm 50% so với giá trị thực của sản phẩm.

Hình thức mua bán cộng đồng (nhiều người cùng mua một sản phẩm), xuất hiện ở Việt Nam hơn nửa năm trở lại đây. Trong thời gian nhất định, thường là từ 5-7 ngày, sản phẩm sẽ được giảm giá từ 20-100% và bán công khai trên website với số lượng có hạn. Tùy từng trang web mà số lượng phiếu bán ra cho mỗi khách hàng có bị hạn chế hay không.

Để mua hàng theo phương thức này, khách hàng thường đăng ký qua giao diện của trang web, chuyển tiền vào tài khoản của chủ website hoặc giao dịch trực tiếp. Sau khi xác nhận đã giao dịch thành công, người tiêu dùng sẽ được cung cấp số lượng phiếu đã đặt hàng để sử dụng sản phẩm.

Trên thực tế đã có rất nhiều người giao dịch thành công và hài lòng với những gói dịch vụ như vậy. Chị Thúy, một dân công sở tâm sự, sau khi đã mua nhiều phiếu từ các website bán hàng cộng đồng, chị vẫn cảm thấy tin tưởng.

“Chị thường mua các set ăn. Tuy là 'hàng giảm giá' nhưng về chất lượng và cung cách phục vụ không khác gì với những khách đến trực tiếp nhà hàng. Nhưng đa phần set ăn mình mua đều đã được quy định rõ, còn nếu muốn gọi theo menu thì phải thanh toán riêng”, chị Thúy nói.

Tuy nhiên, do là một hình thức mua bán khá mới tại Việt Nam nên nhiều người tiêu dùng vẫn băn khoăn, thậm chí “mắc bẫy” những thông tin béo bở trên các trang web. Truy cập vào phagia.com, thấy phiếu chụp ảnh 2,5 triệu tại Venus Wedding.net chỉ phải trả 300.000 đồng, chị Ngọc (giáo viên tiểu học) tỏ ra rất hứng thú.

Nhưng khi hỏi kỹ nhân viên của phagia.com, chị mới hay là phải trả 300.000 đồng để được khuyến mãi 2,5 triệu. Còn trên thực tế, gói dịch vụ có giá 4,5 triệu, nghĩa là tổng khoản tiền chị phải thanh toán là 2,3 triệu: 300.000 cho bên quản lý website và 2 triệu đồng cho ảnh viện.

Còn chị Hằng, nhân viên của nhà hàng Hải Sản Ba Miền (Láng Hạ, Hà Nội) cho biết, thực khách chỉ phải trả 70.000 đồng qua bên nhommua.com để có phiếu ăn 150.000 đồng. Tuy nhiên, với mỗi phiếu đó, khách chỉ được giảm 150.000 đồng trên hóa đơn, chứ không có giá trị thanh toán toàn bộ chi phí bữa ăn. Lượng tiền khách trả tùy vào lượng đồ ăn khách gọi.

“Để mua hàng qua những trang web như vậy, tốt nhất, người tiêu dùng nên gọi điện hỏi kỹ cả bên chăm sóc khách hàng của website và bên cửa hàng, nhà ăn để hiểu tường tận dịch vụ. Tránh chỉ đọc thông tin rồi giao dịch luôn qua web, dễ dẫn đến tình trạng hiểu nhầm hoặc gây tranh cãi”, Hương, cô sinh viên trường Đại học Ngoại thương, người thường xuyên mua hàng theo cách thức này mách nước.

Theo VnExpress