Dừng mua sắm ô tô công: Góp phần giảm bội chi ngân sách

Kinh tế - Ngày đăng : 05:54, 09/04/2011

(HNM)- Tạm dừng mua sắm tài sản công có giá trị lớn trong năm 2011 là một trong những giải pháp được Chính phủ đưa ra tại Nghị Quyết 11/NQ-CP nhằm kiềm chế lạm phát, giữ ổn định kinh tế vĩ mô. Theo Cục Quản lý công sản Bộ Tài chính, nếu tạm dừng mua sắm ô tô công theo nghị quyết của Chính phủ, ước tính sẽ tiết kiệm được khoảng 2.000 tỷ đồng mỗi năm.


Việc tạm dừng mua sắm ô tô công sẽ tiết kiệm cho ngân sách.   Ảnh: Khánh Nguyên


Ông Trần Đức Thắng, Phó Cục trưởng, Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính) cho biết, cuối năm 2010, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 61/2010/QĐ-TTg sửa đổi bổ sung một số điều tại Quyết định số 59/2007/QĐ-TTg về quy định tiêu chuẩn, định mức và chế độ quản lý, sử dụng phương tiện đi lại (chủ yếu là xe ô tô) trong các cơ quan nhà nước, có hiệu lực thi hành từ ngày 15/11/2010. Với quyết định này, xe ô tô công tại một số cơ quan nhà nước đã quá cũ, hết niên hạn sử dụng mà chưa được thay thế sẽ được phép thay mới để đưa vào sử dụng.

Trước khi có Quyết định 61, việc mua sắm ô tô công được kiểm soát chặt chẽ theo Quyết định số 59/2007/QĐ-TTg ban hành ngày 7-5-2007. Chính phủ hạn chế tối đa việc mua sắm mới ô tô, chỉ thực hiện trang bị xe cho các cơ quan nhà nước bằng hình thức sắp xếp, điều chuyển xe từ những nơi thừa sang nơi thiếu, hướng dần vào khoán chi và phát triển dịch vụ ô tô công. Tuy nhiên, việc khoán kinh phí để tự túc phương tiện đi lại đối với các chức danh có tiêu chuẩn sử dụng xe phục vụ công tác vẫn chưa thực sự mang lại kết quả như mong đợi, trong khi trên thực tế, ô tô công tại nhiều cơ quan đã quá cũ. Thống kê cho thấy xe của nhiều bộ, ngành, địa phương, kể cả xe phục vụ công tác của lãnh đạo đã vượt quá thời gian sử dụng, được phép thay thế. Vì vậy, tại Quyết định số 61, Thủ tướng đã cho phép các cơ quan, đơn vị nếu được giao dự toán mua sắm xe được thay thế xe cũ đã hết thời gian sử dụng; các cơ quan, đơn vị mới được thành lập, chưa có xe, không có nguồn xe điều chuyển thì được mua mới; đồng thời điều chỉnh mức giá mua xe phù hợp với tỷ giá giữa đồng ngoại tệ và đồng Việt Nam.

Tuy nhiên từ cuối năm 2010 đến đầu năm 2011, nền kinh tế gặp nhiều khó khăn do lạm phát tăng cao. Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 11/2011/NQ-CP về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội. Nhiều giải pháp cấp bách nhằm giữ ổn định kinh tế đã được đề ra, trong đó có việc yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên của 9 tháng còn lại trong năm 2011; tạm dừng trang bị mới xe ô tô, điều hòa nhiệt độ, thiết bị văn phòng. Để thực hiện nghị quyết của Chính phủ, Bộ Tài chính đã có văn bản gửi các bộ, cơ quan TƯ và UBND các tỉnh, thành phố hướng dẫn việc tạm dừng mua xe ô tô, điều hòa nhiệt độ, thiết bị văn phòng...

Theo ông Trần Đức Thắng, việc tạm dừng mua ô tô và các tài sản giá trị lớn trong thời điểm nền kinh tế gặp nhiều khó khăn sẽ góp phần kiềm chế lạm phát. Hiện cả nước có gần 30.000 xe ô tô công, thời gian cho phép thay thế là qua 10 năm sử dụng hoặc đã chạy được 250.000km. Trong điều kiện kinh tế phát triển bình thường thì cần thay thế mỗi năm khoảng 10% số xe công hiện có, tương ứng khoảng 3.000 chiếc. Với mức giá bình quân theo Quyết định số 61/2010/QĐ-TTg là 600-700 triệu đồng/chiếc, một năm ngân sách nhà nước phải chi khoảng 2.000 tỷ đồng cho việc thay thế xe. Vì vậy việc tạm dừng mua sắm ô tô công sẽ tiết kiệm cho ngân sách một khoản đáng kể.

Trong bối cảnh nền kinh tế đang đối mặt với nhiều khó khăn, các chuyên gia kinh tế cho rằng, việc cắt giảm đầu tư công, giảm bội chi ngân sách nhà nước là một trong những giải pháp cấp bách nhằm giữ ổn định nền kinh tế. Tại Hà Nội, UBND TP đã có văn bản hướng dẫn cụ thể về việc tạm dừng mua sắm xe công từ đầu tháng 3-2011. Để triển khai quyết định của UBND TP Hà Nội, Sở Tài chính Hà Nội đã họp với 29 quận, huyện, thị xã nhằm hướng dẫn cụ thể, đồng thời giải đáp mọi vướng mắc có liên quan.

Với quyết tâm của các bộ, ngành địa phương, nhiều khoản chi tiêu chưa thực sự cần thiết sẽ được cắt giảm, góp phần giảm bội chi ngân sách nhà nước xuống ngưỡng an toàn.

Hương Ly