Hiện tượng sụt lún tại Di tích khảo cổ học 18 Hoàng Diệu: Không nên quá lo lắng

Xã hội - Ngày đăng : 05:34, 09/04/2011

(HNM) - Trước hiện tượng sụt lún tại Di tích khảo cổ học 18 Hoàng Diệu (Hà Nội), điều cần làm nhất lúc này là các bên liên quan sớm đưa ra giải pháp để vừa bảo đảm hiệu quả thi công công trình Nhà Quốc hội, vừa bảo tồn tính toàn vẹn của di sản.


Khó tránh ảnh hưởng tới di tích


Với trình độ, kỹ thuật hiện đại, hoàn toàn có thể khắc phục được sự cố, bảo đảm an toàn cho các di tích gần công trình đang thi công.  Ảnh: Đàm Duy


Nhà Quốc hội được khởi công xây dựng vào tháng 9 năm 2009, tại lô H7, Trung tâm chính trị Ba Đình, cạnh Khu di tích khảo cổ 18 Hoàng Diệu. Tòa nhà cao 39m, gồm 2 tầng hầm, 5 tầng nổi, tổng diện tích sàn trên 60.000m2. Dự kiến công trình được đưa vào sử dụng trong quý III - 2012. Như vậy, vào thời điểm khởi công công trình, Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long, bao gồm cả Khu di tích khảo cổ 18 Hoàng Diệu mới đang trong lộ trình đề nghị UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới. Tháng 8-2010, Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long chính thức được UNESCO đưa vào bản đồ di sản thế giới và yêu cầu phải bảo tồn nguyên vẹn thì công trình Nhà Quốc hội tiếp tục được thi công trong điều kiện chật hẹp, khó khăn khi bên cạnh là một di sản khảo cổ rất mong manh. Do đó, cho dù Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Quân khẳng định tại lễ khởi công xây dựng Nhà Quốc hội là: "Việc thi công sẽ kết hợp hài hòa với phương án bảo tồn Khu di tích khảo cổ 18 Hoàng Diệu, góp phần tạo dựng một quần thể kiến trúc hiện đại, đậm đà bản sắc dân tộc" thì quá trình thi công vẫn ít nhiều gây ảnh hưởng tới khu di tích đặc biệt này. Ông Bùi Minh Trí, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh thành, Phó Chủ nhiệm Dự án Hoàng thành Thăng Long cho biết: Việc thi công Nhà Quốc hội ảnh hưởng tới di sản bắt đầu từ cuối năm 2010. Ban đầu, mức độ ảnh hưởng nhẹ, độ sụt lún và lượng bùn beltol chảy sang chưa nhiều nên các thành viên trong Dự án Hoàng thành Thăng Long tìm cách tự xử lý. Nhưng từ ngày 7-3 đến nay, mức độ ảnh hưởng đã nhiều hơn. Cụ thể là việc đào đất xung quanh tường chắn của tầng hầm Nhà Quốc hội đã làm sụt lún đất, dẫn đến việc đổ sập đoạn giữa bức tường gạch bảo vệ khu vực phía Bắc khu di tích. Hơn thế, từ ngày 23-3, đơn vị thi công khoan hệ neo xuyên sang lòng đất khu di tích tại khu vực phía Bắc và Đông bắc đã làm nứt vỡ kết cấu các tầng đất và làm nước bùn có polymer tràn vào trong lòng hố khai quật đang được bảo tồn. Tại khu vực phía Đông bắc (phạm vi hố C3), đơn vị thi công đã dùng máy xúc khoét sâu xuống tầng đất thời Đại La, chạm đến tầng đất thuộc chỉ giới bảo tồn và vượt qua chỉ giới bảo tồn di tích về phía Đông khoảng hơn 4m. Viện Khảo cổ cho rằng, sự việc này kéo dài sẽ làm sụt lún đất của khu vực tiếp giáp, ảnh hưởng đến việc bảo tồn di tích kiến trúc quan trọng của thời Lý. Tại khu vực đất đào, các chuyên gia nhận thấy có nhiều di vật khảo cổ chưa được thu gom.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Tiến Thành, Giám đốc BQL Dự án xây dựng Nhà Quốc hội cho biết: "Trong quá trình thi công chúng tôi luôn chú trọng tới di tích khảo cổ, song do tường rào quá cũ, đào đất sát chân tường nêu gây ra sụt. Hơn thế, khi thi công công trình, chúng tôi phải khoan vào tầng địa chất, mà khoan vào tầng địa chất thì bắt buộc phải dùng nước nên có một vài điểm rò rỉ, bùn từ các mũi khoan trào lên, gây ảnh hướng tới di tích là điều khó tránh khỏi".

Không quá khó khắc phục

Trao đổi với Hànộimới ngày 8-4, ông Đặng Văn Bài, nguyên Cục trưởng Cục Di sản Văn hóa, Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam khẳng định: Việc thi công công trình Nhà Quốc hội làm ảnh hưởng tới di tích 18 Hoàng Diệu là điều đáng tiếc nhưng dư luận không nên quá lo lắng. Bởi, với trình độ khoa học kỹ thuật hiện đại ngày nay hoàn toàn có thể khắc phục được hậu quả này nếu đơn vị thi công cẩn thận hơn.

Ông Nguyễn Tiến Thành cho biết thêm: "Ngay sau khi nhận được phản ánh của các cơ quan chuyên môn, chúng tôi đã cho lấp các hố sụt lún, dừng việc đào đắp; đồng thời kéo dài thời gian thực hiện các mũi khoan hệ neo từ 2 tiếng thành 6 tiếng để giảm rung chấn. Bên cạnh đó, chúng tôi đã cử cán bộ chuyên trách phối hợp với Trung tâm bảo tồn di tích Cổ Loa - Thành cổ Hà Nội theo dõi sát khâu thi công 24/24 giờ nhằm giảm tối đa việc đáng tiếc xảy ra. Với đội ngũ công nhân, chúng tôi luôn nhắc nhở phải chú ý đến từng chi tiết khi triển khai công việc".

Dưới góc độ của người quản lý trực tiếp, ông Nguyễn Văn Sơn, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn khu di tích Cổ Loa - Thành cổ Hà Nội cũng có quan điểm rằng không thể tránh khỏi việc ảnh hưởng tới di tích khi thi công công trình Nhà Quốc hội. Việc ảnh hưởng này, theo ông không quá khó để khắc phục. Ông Nguyễn Văn Sơn cho biết: Trung tâm Bảo tồn khu di tích Cổ Loa - Thành cổ Hà Nội đã có buổi làm việc với Cục Di sản Văn hóa, Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, BQL dự án xây dựng Nhà Quốc hội và thống nhất giải pháp khắc phục sụt lún bằng cách gia cố bức tường ngăn bảo vệ di tích, giảm mức độ rung chấn trong quá trình thi công, tăng cường giám sát và quản lý... Ngay trong ngày đầu tiên thực hiện đồng bộ các giải pháp này (ngày 8-4), mức độ ảnh hưởng tới di tích hầu như không còn.

Với vai trò của nhà khảo cổ, ông Bùi Minh Trí kiến nghị thành phố Hà Nội nên báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo xây dựng Nhà Quốc hội, Bộ Xây dựng về các vấn đề bảo tồn khu di sản nói trên; đồng thời tổ chức các cuộc họp cần thiết để đưa ra những biện pháp xử lý lâu dài, vừa bảo đảm hiệu quả thi công công trình, vừa bảo tồn tính toàn vẹn của di sản.

Minh Ngọc