Tuồng An Khánh hồi sinh

Xã hội - Ngày đăng : 12:37, 08/04/2011

(HNMO) - Chúng tôi về An Khánh vào một buổi sáng trời mưa lạnh. Khung cảnh xã ven đô hiện ra với những ngôi nhà cao tầng san sát, nhịp sống An Khánh chẳng khác nào chốn “phố thị” ồn ã, tấp nập. Tuy nhiên, sau những ồn ã vẫn còn những khoảng lặng. Đó là những “nghệ sĩ đồng quê” đeo đuổi môn nghệ thuật tuồng truyền thống.


Vang bóng một thời
Theo các cụ cao niên làng, Ngãi Cầu xưa vốn là đất tuồng, nơi đây có những gánh hát đi khắp nơi phục vụ người dân trong dịp lễ tết, hội hè. Những năm tháng đất nước có chiến tranh, để tập trung sức người, sức của cho cuộc kháng chiến, những hoạt động văn hóa tinh thần tạm thời được gác lại. Sau chiến tranh, phần do tuổi tác sức khỏe, các cụ đào kép trong những gánh hát xưa không còn nhiều, làn điệu tuồng truyền thống của Ngãi Cầu dần rơi vào quên lãng. Năm 1968, khi Đoàn tuồng Miền Bắc sơ tán về làng Ngãi Cầu, tình yêu tuồng như được hồi sinh. Những lớp trẻ lại được diễn, được đắm mình vào các vai diễn.

Cảm mến lòng “say nghề” của lớp trẻ, cụ Đen, cụ Cá, cụ Quyền - lớp diễn viên đầu tiên còn lại trong gánh tuồng xưa đã tận tâm truyền dạy. Lớp trẻ trong làng như: Minh Thường, Viết Tuynh, Minh Gái, Mạnh Cường, Kim Tính... đã tề tựu lại cùng nhau hát, cùng nhau diễn. Vở diễn đầu tiên được ra mắt thành công là vở “Bao Công xử án Trần Quý Phi”. Ngay sau đó, đội Tuồng của xã đã thu hút được 38 "diễn viên"

Thời gian đầu hoạt động vì chưa có kinh nghiệm, đội phải mời các nghệ sĩ của Nhà hát Tuồng Trung ương về dàn dựng một số vở như: Ả Lã làng Đê, Cây hồng làng Đại... Sau đó, đội cũng đã tự dàn dựng được những vở như: An Tư công chúa, Tuồng ngũ biến, Nghêu sò ốc hến... đi biểu diễn phục vụ nhân dân ở các làng, xã trong huyện Hoài Đức. Thời gian này đội tuồng đã có nhiều diễn viên ưu tú cống hiến cho Nhà hát tuồng Trung ương như Mạnh Cường, Kim Tính và NSƯT Minh Gái.

Mặc dù đã thu được nhiều thành công, song sau gần 10 năm hoạt động sôi nổi, tuồng An Khánh lại tan rã, phần vì thiếu kinh phí, phần vì các diễn viên lập gia đình, lại có người đi công tác xa nên không duy trì được. Một lần nữa tuồng truyền thống lại rơi vào quên lãng.

Tuồng An Khánh tại Liên hoan tiếng hát tuồng không chuyên tỉnh Hà Tây.


Tiếp lửa để Tuồng sống mãi
Trải qua nhiều năm gắn bó với làn điệu tuồng truyền thống, băn khoăn lớn nhất trong cuộc đời của Nguyễn Minh Thường, người ca nữ Ngãi Cầu nổi tiếng một thời là làm sao để khôi phục lại vốn tuồng của quê hương. Và rồi cơ hội cũng đã đến với chị khi tỉnh Hà Tây (cũ) tổ chức liên hoan sân khấu Tuồng không chuyên toàn tỉnh (năm 2004), chị và Viết Tuynh cùng những thành viên còn lại trong đội Tuồng ngày ấy đã đến từng gia đình, vận động từng người tham gia, được 21 người. Ý tưởng ban đầu của đội là dàn dựng trích đoạn tuồng ngũ biến. Tuy là vở cũ, nhưng trải qua mấy chục năm không tập luyện nên các diễn viên cũng không nhớ được nhiều, vì vậy đội phải mời chị Minh Gái về dàn dựng. Và rồi, ông trời cũng không phụ lòng người, thành công trong Liên hoan của đội với HCV của Minh Thường và giải Nhì toàn đoàn đã tạo bước đệm để tuồng An Khánh hồi sinh.

Nhằm duy trì và bảo tồn vốn nghệ thuật truyền thống của quê hương, tháng 6 năm 2006, CLB Tuồng An Khánh chính thức ra mắt, với 24 hội viên, Minh Thường và Viết Tuynh đảm nhiệm chức vụ Chủ nhiệm và Phó Chủ nhiệm CLB. Các thành viên trong câu lạc bộ mặc dù có xuất thân khác nhau nhưng tựu chung ở họ là sự đam mê nghệ thuật Tuồng truyền thống. Nhờ lòng yêu tuồng cùng với sự dìu dắt nhiệt tình của Minh Thường và cụ Chu Chí Cang - một “cây đại thụ” trong giới hát tuồng Ngãi Cầu xưa, CLB Tuồng ngày càng phát triển và gặt hái được nhiều thành tựu. Năm 2010 trong Liên hoan sân khấu tuồng không chuyên toàn TP Hà Nội, câu lạc bộ Tuồng An Khánh đã có 3 diễn viên chính đạt HCV là: Xuân Giang, Minh Chuyên và Viết Tuynh,. Cùng với đội ngũ dàn diễn viên trẻ năng động đầy nhiệt huyết, CLB Tuồng An Khánh ngày càng khẳng định được mình trong mắt các nhà nghiên cứu tuồng, đồng thời nhận được sự quan tâm đặc biệt của Nhà hát Tuồng Trung ương về việc hỗ trợ phục trang cũng như khâu tổ chức đạo diễn chương trình.

Tâm sự với chúng tôi về những thành quả mà CLB đã đạt được, Minh Thường không giấu nổi sự tự hào và niềm hạnh phúc khi cuối cùng tâm nguyện của chị cũng đã được thực hiện thành công. Chị nói: “CLB đã đi vào hoạt động quy củ và ngày càng gặt hái được nhiều thành công mới, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn về kinh phí hoạt động cũng như tổ chức đạo diễn chương trình nhưng anh chị em trong CLB trên dưới một lòng, hoạt động sôi nổi”. Định kỳ hàng tháng, vào những đêm rằm, CLB lại tổ chức sinh hoạt. Đây là dịp anh chị em trong CLB tổ chức ôn luyện những vở cũ, đồng thời chia sẻ kinh nghiệm diễn cho nhau. Cùng với việc triển khai hoạt động, các thành viên CLB được giao lưu, chia sẻ với nhau nỗi niềm trong cuộc sống. Động viên, thăm hỏi nhau lúc ốm đau hay khi có công việc gia đình.

Gần 40 năm gắn bó với Tuồng nhưng với Minh Thường chưa bao giờ chị cảm thấy chán nản, chị vẫn đều đặn cống hiến cho khán giả. Với chị, để một vở diễn đạt trình độ nghệ thuật cao thì người diễn viên và người nhạc công phải ăn khớp với nhau như “vợ với chồng” , vì vậy khâu lựa chọn các thành viên để thủ vai diễn là một trong những khâu quan trọng nhất. Hiện tại chị đang thủ vai “Ông già cõng vợ đi xem hội”, chị tâm sự: “Tôi dự định sẽ thủ vai này cho đến hết cuộc đời như một dấu chấm kỷ niệm cho sự gắn bó với nghiệp tuồng của quê hương”.

Kiều Tuyết Hoa - Tố Phương