Cả doanh nghiệp và người lao động vẫn phải chờ đợi!
Đời sống - Ngày đăng : 10:42, 08/04/2011
Lao động trở về từ Libya lên xe về với gia đình. (Ảnh: Hữu Việt/TTXVN). |
(HNMO) - Đến nay, tất cả lao động Việt Nam làm việc tại Libya đã trở về nước an toàn, chấm dứt chiến dịch đón lao động Việt Nam về nước lớn nhất từ trước đến nay. Người lao động mừng vui khôn xiết, doanh nghiệp thì thở phào nhẹ nhõm.
Tuy nhiên, khi mọi chuyện đã lắng xuống thì người lao động lại bắt đầu lo lắng về một tương lai phía trước, còn doanh nghiệp thì lại thấp thỏm đợi chờ các hướng dẫn cụ thể của Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) về phương án thanh lý hợp đồng với người lao động.
Mới đây, Cục Quản lý lao động ngoài nước đã làm việc với 9 doanh nghiệp xây dựng trong nước để đưa ra phương án hỗ trợ việc làm cho người lao động. Kết quả cho thấy, nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp là rất lớn. Nhưng sau buổi làm việc 2 tuần, các doanh nghiệp xây dựng này đã nản trí bởi thủ tục quá phức tạp, chưa kể các doanh nghiệp xuất khẩu lao động trong nước (những đơn vị đưa lao động sang Libya làm việc) không nhiệt tình hợp tác với họ trong việc này. Bên cạnh đó là tâm lý của người lao động từ Libya chấp nhận đi làm rất ít, mặc dù các doanh nghiệp tuyển dụng đã có những động thái rất tích cực như: gửi thông báo về doanh nghiệp XKLĐ, thông báo gửi về các xã ở các tỉnh có nhiều lao động trở về từ Libya. Được biết, mức lương mà các doanh nghiệp xây dựng này đưa ra không thấp, trung bình từ 4-5,5 triệu đồng, song số lượng đăng ký lại rất hạn chế. Lý giải cho sự thờ ơ này, anh Nguyễn Minh Tiến, quê Vĩnh Phúc - một trong những lao động từ Libya trở về cho biết anh đang đợi hoàn tất thanh lý hợp đồng với công ty xuất khẩu lao động rồi mới tính chuyện đi làm trở lại. Hiện tại, nhiều công ty đang có nhu cầu tuyển dụng lao động làm việc ở nhà máy thủy điện ở Sơn La và Hà Giang, Hòa Bình nhưng mọi động thái từ thông báo, đến vận động đều không lay chuyển được tâm lý người lao động.
Hiện nay một số doanh nghiệp XKLĐ Việt Nam đã làm việc với các doanh nghiệp của Thổ Nhĩ Kỳ. Phía đối tác đã đồng ý tiếp nhận lại lao động ở Libya sang làm việc tại các công trình của họ tại Tanzania - một quốc gia ở phía Đông của Châu Phi. Một số doanh nghiệp của Hàn Quốc cũng đề nghị tuyển dụng lao động đã từng làm việc ở Libya làm nghề hàn nóng theo công nghệ mới với điều kiện làm việc và mức lương cao ổn định. Theo các doanh nghiệp thì mức lương mà lao động Việt Nam sang làm việc tại các nước trên vẫn được giữ nguyên mức như khi làm việc tại Libya, chẳng hạn với trình độ lao động phổ thông giản đơn, mức lương từ 7 đến 8 triệu đồng/tháng.
Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, cả doanh nghiệp XKLĐ và người lao động đều trong trạng thái bất an. Ông Nguyễn Vạn Xuân, Chủ tịch hội đồng quản trị công ty Việt Thắng cho biết đơn vị này đã phải bỏ ra hơn 1 tỷ đồng khi đón lao động về nước. Trước đó, có nhiều lao động đã đến trụ sở Công ty đề nghị được thanh lý hợp đồng. Dù vậy, phía Công ty không thể làm gì được khi chưa có hướng dẫn của Cục về phương án thanh lý. Điều này khiến người lao động bức xúc vì có nhiều lao động đã về trước được 1 tháng. Không chỉ riêng tại Công ty Việt Thắng, nhiều công ty XKLĐ khác cùng chịu chung hoàn cảnh, thậm chí nhiều lao động đã có những hành động quá khích, trong khi hàng ngày họ vẫn phải nhận hàng trăm cuộc điện thoại của người lao động. Đại diện Công ty SONA, một doanh nghiệp trực thuộc Bộ LĐ-TB&XH có hơn 2.000 lao động đi Libya cho biết, họ sẽ ưu tiên thực hiện thanh lý hợp đồng cho những lao động đã làm việc được gần hết hạn hợp đồng trước để họ yên tâm tìm công việc mới trong nước. Còn các đối tượng khác thì buộc phải chờ đợi phương án chung của Bộ. Hiện tại, số lao động có thời gian làm việc dưới 1 năm của SONA là khoảng 900 người.
Đại diện một số doanh nghiệp từng đưa lao động đi làm việc tại Libya cho biết các doanh nghiệp đã cùng ngồi lại với nhau, họp và báo cáo đầy đủ tình hình, số lượng lao động, phân loại lao động theo thời gian và đề xuất một số phương án hỗ trợ cho lao động để Cục Quản lý lao động ngoài nước trình Bộ LĐ-TB&XH để Bộ đưa ra phương án hỗ trợ chung và hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện. Hiện tại, các doanh nghiệp đang mong chờ được hưởng hỗ trợ từ việc sử dụng Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước mà trước đây mỗi doanh nghiệp phải đóng phí 1% và mỗi lao động đóng 100.000 đồng để bảo hiểm rủi ro trước khi đi làm việc ở nước ngoài. Theo tính toán thì các doanh nghiệp XKLĐ trong thời gian qua đã phải tốn hàng chục tỷ đồng để đón người lao động Việt Nam trở về từ Libya. Nhưng nỗi lo hơn nữa của doanh nghiệp hiện nay là còn nhiều đối tác sử dụng lao động đang còn nợ tiền lương của người lao động từ 1 đến 2 tháng lương.
Trao đổi với báo chí, ông Lê Văn Thanh, Cục Phó Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết, phía Cục đã nhiều cuộc họp bàn với các doanh nghiệp nhưng đến nay vẫn chưa chọn ra được phương án hỗ trợ tối ưu nhất. Hiện tại sẽ phải đợi thêm một thời gian nữa thì Bộ LĐ-TB&XH mới ra được phương án chung. Như vậy, ở vào hoàn cảnh hiện tại, nếu Cục Quản lý lao động ngoài nước vẫn tiếp tục “tính toán” mà không có phương án cụ thể thì e rằng mọi chuyện sẽ ngày càng trở nên phức tạp. Người lao động mong mỏi được giải quyết hỗ trợ hợp lý thì mới yên tâm tính toán về những ngày tiếp theo, còn doanh nghiệp XKLĐ cũng mong chờ một quy định chuẩn để giải quyết quyền lợi cho người lao động. Nhiều doanh nghiệp XKLĐ muốn tiếp tục “tái sử dụng” lao động này để đưa họ đi XKLĐ ở các thị trường khác nhưng mọi kế hoạch đều đang “dậm chân tại chỗ”.