Cần “gỡ” chỉ giới đường đỏ đất xen kẹt
Xã hội - Ngày đăng : 07:40, 08/04/2011
Qua khảo sát ở các địa bàn cụ thể cho thấy, mặc dù các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương đã quan tâm chỉ đạo triển khai thực hiện đề án của các xã làm điểm, khảo sát thực trạng để lập đề án nhưng hiện còn rất chậm và đang gặp nhiều khó khăn.
Đến thời điểm này, 19/19 huyện, thị xã đã có quyết định thành lập BCĐ, tổ công tác giúp việc để triển khai đề án xây dựng NTM tại các xã điểm. Các huyện Từ Liêm, Mê Linh, Phú Xuyên, Thanh Trì… đã thành lập Hội đồng thẩm định đề án xây dựng NTM, chủ động bàn bạc, góp ý kiến vào đề án của xã. Các huyện Mê Linh, Thanh Trì, Đông Anh, Từ Liêm (4/19 đơn vị) hoàn thành đề án của huyện gửi BCĐ thành phố bổ sung hoàn chỉnh để kịp trình HĐND, UBND TP phê duyệt.
Tuy nhiên, tiến độ xây dựng đề án của huyện và xã cũng như việc triển khai đề án của xã làm điểm đến nay là quá chậm so với mục tiêu kế hoạch đề ra. Một số huyện và xã đưa ra những lý do, quý I phải tập trung chỉ đạo sản xuất, phòng chống rét cho cây trồng vật nuôi, công tác quản lý thị trường giá cả, chuẩn bị cho bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp… Một số xã chưa tiến hành các bước cụ thể nên chỉ nhìn thấy khó khăn trước mắt "tiền đâu ra để thực hiện đề án", cấp trên chưa hỗ trợ, bao giờ mới có được NTM... Trong xây dựng NTM, nếu nghiên cứu kỹ đề án được phê duyệt của các xã điểm về giải pháp huy động vốn thì vấn đề mấu chốt lại là công tác vận động, tuyên truyền nhân dân phát huy nội lực cùng với vốn hỗ trợ từ ngân sách thành phố, ngân sách huyện, thị xã hằng năm. Kế hoạch năm 2011 của thị xã Sơn Tây dự kiến huy động cho NTM khoảng 20 tỷ đồng đồng/48 tỷ đồng (gần 50%), huyện Thạch Thất trên 20 tỷ đồng/52 tỷ đồng (phần ngân sách huyện bảo đảm), ngân sách thành phố dự kiến đợt I khoảng 200 tỷ đồng/519 tỷ đồng (phần ngân sách thành phố hỗ trợ trực tiếp) phần còn lại ngân sách các xã điểm và huy động các nguồn khác (vốn đầu tư của doanh nghiệp, HTX, tổ chức kinh tế và nhân dân đóng góp). Bài toán huy động vốn đặt ra đối với 19 xã điểm phải lo nguồn thu ngân sách xã là 749 tỷ đồng (bình quân 42 tỷ đồng/xã), huy động đóng góp tự nguyện của dân là 413 tỷ đồng (bình quân 23 tỷ đồng/xã = 9,6 %), huy động đầu tư của các DN, HTX, tổ chức kinh tế là 531 tỷ đồng (bình quân 29,5 tỷ đồng/xã =12%).
Thực tế 19 xã điểm này nguồn thu ngân sách xã chưa đáp ứng đủ nhiệm vụ chi ngân sách xã theo quy định và trách nhiệm của BCĐ xã đã được xác định ngay từ khi lập đề án là phải khai thác tốt nguồn thu từ đất như đất công, đất công ích thuộc xã quản lý; đất xen kẹt trong khu dân cư, đất chuyên dùng, đất thùng đào thùng đấu, hoang hóa và dự kiến cấp đất giãn dân (quy hoạch khu dân cư mới)… Theo kết quả rà soát của các xã điểm, tổng diện tích đất xen kẹt, đất đấu giá là 1.105.923m2 gồm đất xen kẹt là 926.213m2, đất dự kiến đấu giá là 179.710m2. Theo đề án 19 xã sẽ đấu giá 940.200m2 dự kiến thu 1.734,2 tỷ đồng (bình quân 91 tỷ đồng/xã). Nếu các xã tổ chức thu bảo đảm kế hoạch thì nguồn vốn đầu tư phần ngân sách xã (749 tỷ) sẽ còn dư kinh phí để xây dựng NTM (15/19 xã đủ và còn dư nguồn). Tuy nhiên, đến nay đã hơn một năm chỉ đạo triển khai các xã điểm xây dựng NTM, việc kiểm kê, rà soát đất đai để xử lý vi phạm và tổ chức đấu giá gặp rất nhiều vướng mắc, khó khăn về thủ tục hồ sơ và thẩm quyền quyết định thu hồi đất; kinh phí thực hiện đền bù hoa màu, giải phóng mặt bằng; việc xác định đất xen kẹt, đất đấu giá phải nằm ngoài "chỉ giới đường đỏ". Bên cạnh đó các địa phương đều sợ thủ tục hồ sơ và quy trình tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất quá phức tạp và nan giải… Theo báo cáo của các xã Thụy Hương, Mai Đình, Tây Tựu, Đồng Tân, Đại Thắng… hồ sơ trình duyệt đấu giá chậm được giải quyết, nhiều xã lúng túng trong việc lập hồ sơ thu hồi đất và tổ chức đấu giá đất nhưng không được hướng dẫn hoàn chỉnh…
Để kịp thời tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho cơ sở nhằm huy động có hiệu quả nguồn thu tiền sử dụng đất, BCĐ các huyện và xã đều thống nhất đề xuất, kiến nghị với BCĐ thành phố:
Một là, đối với diện tích đất xen kẹt trong khu dân cư không phải xem xét "chỉ giới đường đỏ" và cho phép xã ra quyết định thu hồi đất sau khi có ý kiến thỏa thuận bằng văn bản của phòng tài nguyên và môi trường huyện.
Hai là, các sở, ngành có văn bản hướng dẫn cụ thể về thủ tục hồ sơ thực hiện thu hồi đất và quy trình tổ chức đấu giá đất; thủ tục cấp lại "bằng dự án" từ nguồn thu tiền sử dụng đất của xã đã thực nộp vào ngân sách nhà nước.
Ba là, tăng cường cải cách thủ tục hành chính trong việc tổ chức đấu giá đất xen kẹt tạo nguồn vốn xây dựng NTM…
Thực hiện đề án xây dựng NTM trên địa bàn Thủ đô không chỉ đất xen kẹt mà nhiều công trình xây dựng cơ bản, dự án phát triển sản xuất… đều có liên quan đến "chỉ giới đường đỏ" đề nghị BCĐ thành phố cần sớm có giải pháp tháo gỡ để chỉ đạo hướng dẫn các huyện, xã nhằm thúc đẩy tiến độ xây dựng NTM và phát triển kinh tế nông thôn trong thời kỳ CNH-HĐH Thủ đô.